Những tín hiệu tích cực trong giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số

22-11-2023 06:38 | Xã hội

SKĐS - Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã tích cực phối hợp với các sở, ngành thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hệ lụy của tảo hôn

Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại ở vùng cao Hòa Bình. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh có 1.881 trường hợp tảo hôn, 18 trường hợp hôn nhân cận huyết thống (HNCHT), tập trung ở các huyện Kim Bôi, Mai Châu, Lương Sơn, Đà Bắc... Đa phần các trường hợp tảo hôn và HNCHT xảy ra chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ, trẻ em và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Để giảm thiểu tình trạng này, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng các kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025"; Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Mục tiêu chính của Đề án là nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của người dân về hôn nhân và gia đình, tiến tới thay đổi hành vi, góp phần giải quyết tình trạng TH&HNCHT, nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực ở vùng DTTS.

Những tín hiệu tích cực trong giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình. Ảnh: Thu Thủy

Nhiều giải pháp vận động đồng bào không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống

Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp phối hợp cùng các ngành Tư pháp, Y tế và Giáo dục tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống. Đồng thời rà soát, khoanh vùng địa bàn có tỷ lệ các cặp tảo hôn cao để thành lập các nhóm truyền thông nòng cốt và xây dựng mô hình truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân.

Xác định công tác tuyên truyền là quan trọng, Ban Dân tộc tỉnh đã chỉ đạo Phòng Dân tộc các huyện, thành phố thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền thông qua các cuộc thi tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS bằng hình thức sân khấu hóa; Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về TH&HNCHT cho học sinh các trường dân tộc nội trú; tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề này; Treo pano, áp phích tuyên truyền tại các khu dân cư...

Những tín hiệu tích cực trong giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hải

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS tăng cường tuyên truyền về hậu quả của TH&HNCHT. Bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp cần loại trừ những tập quán, hủ tục lạc hậu; nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong hôn nhân để nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.

Số trường hợp tảo hôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua có xu hướng giảm dần theo từng năm từ 222 trường hợp tảo hôn (năm 2021) giảm xuống còn 127 trường hợp tảo hôn (tính đến hết 30/10/2023) và không có cặp kết hôn cận huyết thống. Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn II (2021-2025) và Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã có tác động lớn đến việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh.

Thông qua các hoạt động của Đề án, đồng bào dân tộc thiểu số đã được tuyên truyền sâu rộng hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, về Luật hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… đã góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, một số phong tục tập quán gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết dần được xóa bỏ. Đội ngũ cán bộ xã, thôn bản, người có uy tín phát huy cao vai trò, trách nhiệm tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân còn tồn tại ở một số đồng bào dân tộc thiểu số; các địa phương đã thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân và ngăn chặn, xử lý kịp thời một số trường hợp có ý định tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Hà Giang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu sốHà Giang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số

SKĐS - Thực hiện Chương trình MTQG 1719 trong lĩnh vực y tế, ngành y tế Hà Giang đã chủ động tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Khó khăn trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho đồng bào dân tộc miền núi.


Thanh Hoàn - Nguyễn Hải
Ý kiến của bạn