Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh chính thức ký kết Bản ghi nhớ hợp tác cùng Tổng hội Y học Việt Nam và các đối tác nhằm triển khai cụ thể Đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020 – 2025” ở cấp bệnh viện.
Trước đó vào ngày 19/01/2021, Đề án toàn diện đầu tiên nâng cao hiệu quả điều trị ung thư vú đã được ký kết giữa Bộ Y tế và Tổng hội Y học Việt Nam, với sự chung tay giữa nhiều cơ quan ban ngành chức năng từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các viện nghiên cứu (Viện nghiên cứu Ung thư quốc gia, Hội Khoa học kinh tế y tế, các trường đại học), Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, các bệnh viện, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp.
Với lễ ký kết này, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh chính thức triển khai Đề án chuyên biệt trong giai đoạn từ 2020 – 2025, với các phương án hoạt động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về ung thư vú, tăng năng lực chẩn đoán sớm và điều trị ung thư vú của đội ngũ bác sĩ tại bệnh viện, tăng tỉ lệ người bệnh ung thư vú nguy cơ cao được tiếp cận và điều trị với các liệu pháp tiên tiến hàng năm tại đơn vị, và hỗ trợ tối ưu hóa cơ sở dữ liệu chẩn đoán và điều trị ung thư vú của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Viện nghiên cứu Ung thư quốc gia xây dựng.
Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh chính thức ký kết đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020 – 2025” ở cấp bệnh viện
Cũng trong dịp này, Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cũng ký bản ghi nhớ hợp tác với đối tác trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ y tế tại bệnh viện, tăng cường kết nối, hợp tác với các tổ chức và chuyên gia ung bướu trong và ngoài nước, thực hiện các hoạt động hướng tới lợi ích của bệnh nhân và cộng đồng.
TS.BS. Phạm Xuân Dũng - Giám Đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Một tín hiệu tích cực là tỷ lệ điều trị khỏi trong ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng ngày một cao. Kết quả này có được là nhờ sự tiến bộ trong y học cùng với việc phát hiện sớm và người bệnh tiếp cận được với các liệu pháp điều trị tiên tiến.
“Tuy vậy, bệnh ung thư vú hiện vẫn đang là một vấn đề sức khỏe đáng quan tâm của xã hội, và đòi hỏi sự chung tay cộng tác của toàn ngành y tế và các cơ quan liên quan nhằm xây dựng một giải pháp can thiệp đa chiều, đồng bộ, làm sao để vừa nâng cao nhận thức cộng đồng, vừa tăng cường năng lực chẩn đoán và chữa trị nhằm giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người bệnh, gia đình và của toàn xã hội”– TS.BS chia sẻ.
Ngoài bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh, 4 bệnh viện lớn khác trên cả nước bao gồm Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tham gia thực hiện Đề án này.
Theo hệ thống Ghi nhận Ung thư toàn cầu GLOBOCAN năm 2020, mỗi năm Việt Nam có 21.555 trường hợp mắc mới ung thư vú và số ca tử vong do ung thư vú là 9.345 ca.
Mặc dù những con số tăng cao nhưng 70% người bệnh phát hiện ung thư vú ở giai đoạn muộn. Nhận thức về bệnh còn hạn chế trong cộng đồng, dẫn đến việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Phần nhiều, việc tầm soát ung thư vú diễn ra cục bộ, quy mô nhỏ.
Thông qua Đề án này, các bệnh viện nói chung, Tổng hội Y học và các đối tác kỳ vọng đem lại những thay đổi tích cực mang tính bền vững và ảnh hưởng sâu rộng, góp phần nâng cao khả năng ứng phó với ung thư vú Việt Nam.