Tăng cường tiếp cận chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy tại cộng đồng

15-10-2024 10:38 | Dược
google news

SKĐS - Cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa ngành Công an và Y tế để phát hiện sớm người sử dụng ma túy tại những thời điểm quan trọng, nhằm can thiệp, điều trị kịp thời, hiệu quả, giúp nhiều người được tiếp cận với các chất thay thế, chẳng hạn như Methadone…

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi Tọa đàm "Cơ hội tiếp cận chăm sóc và điều trị cho người sử dụng ma túy tại cộng đồng" do Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Sanita Suhartono, chuyên gia toàn cầu về điều trị ma túy của UNODC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy dựa trên các bằng chứng khoa học.

Theo đó, qua nhiều năm làm việc với các cơ quan chính phủ và các chuyên gia, kinh nghiệm cho thấy, các chương trình can thiệp dựa trên bằng chứng, không chỉ giúp giảm thiểu tác hại mà còn mang lại hiệu quả cao, đặc biệt trong bối cảnh các chất ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Mỹ từng đối mặt với vấn nạn ma túy tổng hợp và thông qua những kinh nghiệm ứng phó đó, Mỹ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ các nước khác, bao gồm Việt Nam, trong việc phát triển các chương trình can thiệp hiệu quả hơn, bà Sanita Suhartono chia sẻ.

Tăng cường tiếp cận chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy tại cộng đồng- Ảnh 1.

Quanh cảnh buổi tọa đàm…

Nguyên tắc chính cho điều trị hiệu quả là tăng cường điều trị rối loạn sử dụng ma túy thông qua phối hợp hiệu quả giữa hệ thống tư pháp hình sự và các dịch vụ y tế. Trong đó, quan niệm rối loạn sử dụng ma túy là vấn đề về sức khỏe hơn là hành vi phạm tội. Theo quy tắc, những người mắc rối loạn sử dụng ma túy nên được điều trị trong hệ thống chăm sóc y tế chứ không phải là trong hệ thống tư pháp hình sự.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ThS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề xuất, cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa ngành Công an và Y tế để phát hiện sớm người sử dụng ma túy (NSDMT) tại những thời điểm quan trọng, nhằm can thiệp và điều trị kịp thời, hiệu quả. Điều này sẽ giúp nhiều người sử dụng ma túy được tiếp cận với các chất thay thế, chẳng hạn như Methadone.

Việc kết hợp ba lực lượng chính trong công tác phòng, chống ma túy là rất quan trọng: Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đảm nhận việc giảm cầu; ngành Công an chịu trách nhiệm giảm cung và ngành Y tế tập trung vào giảm tác hại. Tuy nhiên, gGiam giữ bắt buộc vẫn là biện pháp cần thiết đối với một số đối tượng đặc biệt, đặc biệt là trong bối cảnh ma túy tổng hợp đang tiềm ẩn nguy cơ ở nhiều nơi.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên trình bày về mô hình chăm sóc, điều trị cho người sử dụng ma túy (NSDMT) tại cộng đồng ở Việt Nam; đề cao vai trò của Công an trong việc phát hiện, quản lý người sử dụng ma túy tại cộng đồng cũng như tại các cơ sở cai nghiện tập trung, trại giam đối với những người sử dụng ma túy vi phạm pháp luật và người sử dụng ma túy sau cai nghiện trở về hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, ở mọi thời điểm, mọi nơi chốn trong cuộc đời của người sử dụng ma túy thì trách nhiệm quản lý và tạo cơ hội cho họ tiếp cận với chăm sóc điều trị (cơ quan y tế) không chỉ thuộc về Công an, mà là sự chung tay của gia đình và toàn xã hội.

Tại buổi tọa đàm, bà Sanita Suhartono đã giới thiệu về Chương trình xây dựng hệ thống ATI mà bản chất là coi điều trị như một biện pháp thay thế cho hệ thống tư pháp hình sự đối với rối loạn sử dụng ma túy. Chương trình ATI có thể sẽ được công bố vào tháng 3/2025, và Việt Nam sẽ là một địa chỉ thử nghiệm ATI, triển khai điều trị như một biện pháp thay thế.

Mời độc giả xem thêm:

Điều trị nghiện bằng Methadone "phao cứu sinh" làm lại cuộc đời cho nhiều người lạc lối Điều trị nghiện bằng Methadone 'phao cứu sinh' làm lại cuộc đời cho nhiều người lạc lối

SKĐS - Điều trị nghiện bằng Methadone được triển khai tại Đồng Tháp từ năm 2015, qua 7 năm thực hiện đã cho thấy kết quả tích cực. Nhiều người bệnh đã có cuộc sống đổi khác nhờ chương trình này. Methadone như một chiếc 'phao cứu sinh' cho những người nghiện muốn làm lại cuộc đời.


Thu Huệ
Ý kiến của bạn