Chiều 20/4, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã làm việc với đại diện ngành y tế TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh, thành phía Nam và các công ty dược về vấn đề quản lý giá thuốc.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, một biện pháp hiệu quả để bình ổn giá thuốc là tăng cường sử dụng thuốc nội vì giá thuốc nội rẻ hơn rất nhiều lần so với thuốc ngoại nhập, chất lượng không thua gì so với các sản phẩm thuốc ngoại cùng loại. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện đã tăng lên nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với thuốc ngoại. Do đó, cần phải thay đổi thói quen tiêu dùng, đặc biệt là tâm lý chuộng hàng ngoại. Ngoài ra, 90% các nguyên liệu sản xuất dược phẩm được nhập khẩu nên muốn đảm bảo ổn định giá thuốc, nhà nước phải có chiến lược dự trữ nguyên liệu để đảm bảo ổn định từ giá nguyên liệu. Một biện pháp khác là các bệnh viện tăng cường việc kiểm soát kê đơn làm sao để tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân, xây dựng hệ thống chuỗi nhà thuốc, nhà thuốc của các doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng thuốc, giảm chi phí và hạn chế các khâu trung gian.
TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, cho biết: Bình ổn giá thuốc không đồng nghĩa với việc sử dụng các biện pháp hành chính để giữ giá thuốc không tăng không giảm, mà bình ổn là đảm bảo các sản phẩm thuốc không tăng đột biến, bất hợp lý và không tăng giá đồng loạt. Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa ra quy định về giá tối đa để dễ quản lý việc tăng giá thuốc, tuy nhiên theo nghiên cứu thì việc này không mang tính khả thi vì lượng thuốc trên thị trường rất lớn với hơn 22.000 mặt hàng, các sản phẩm đều khác nhau về hàm lượng, hoạt chất, quy cách đóng gói, nhà sản xuất...nên việc đưa ra giá tối đa là rất khó thực hiện.