Mặc dù là bệnh có thể dự phòng và phát hiện sớm, nhưng hiện tại ung thư cổ tử cung vẫn là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất và gây tử vong cao thứ hai cho phụ nữ Việt Nam do phát hiện và chẩn đoán muộn.
Tư vấn cho bạn trẻ cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Ảnh: TL |
Nguyên nhân gia tăng bệnh ung thư cổ tử cung tại Việt Nam, theo các chuyên gia y tế là do phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ có hệ thống để phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp. Có nhiều trường hợp khi phát hiện tổn thương tiền ung thư cũng chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả. Chính vì vậy, mục đích của hội thảo về các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung là thảo luận, trao đổi và đưa ra các giải pháp tăng cường sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này.
Để đáp ứng nhu cầu kiến thức và kỹ năng đối với các cán bộ y tế trong việc cung cấp dịch vụ sàng lọc, dự phòng và điều trị ung thư cổ tử cung tại các tuyến y tế cơ sở, ngày 16/5/2011 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1476/QDD-BYT về việc phê duyệt tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn sàng lọc, điều trị tổn thương tiền ung thư để dự phòng thứ cấp ung thư cổ tử cung" được áp dụng trong tất cả các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân có cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Bệnh ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa được bằng biện pháp tiêm vắc - xin hoặc sàng lọc. Tuy nhiên cách tốt nhất để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là phát hiện thông qua sàng lọc sớm. Hiện nay có ba phương pháp sàng lọc đang được triển khai thực hiện gồm: Kiểm tra những thay đổi về tế bào của cổ tử cung (PAP Smer), kiểm tra trực quan với axít axetic (VIA) và xét nghiệm HPV ADN. |
Việt Hà