Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống liên quan đến quy trình thực hành tiêm chủng, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế nhấn mạnh, những người thực hiện tiêm chủng trước tiên phải ý thức được trách nhiệm với nghề nghiệp và với chính bản thân; phải có hiểu biết để thực hiện đúng quy trình hướng dẫn “3 tra, 5 đối” trước khi tiêm chủng để tránh sai sót có thể xảy ra...
Chất lượng tiêm chủng có nhiều thay đổi
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, trên thế giới cũng đã ghi nhận trường hợp tiêm nhầm thuốc như tại Yemen năm 1997, tiêm insulin cho 70 trường hợp, gây tử vong 21 trẻ. Tuy nhiên, vụ việc ở BVĐK Hướng Hóa là một bài học đau xót đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiêm chủng. Ở Việt Nam, trong lịch sử 25 năm chương trình Tiêm chủng mở rộng, đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố này.
Thực hiện nghiêm ngặt các bước an toàn tiêm chủng cho trẻ em. Ảnh: Trần Minh
Không phải đến khi có kết luận của cơ quan điều tra, Bộ Y tế mới rút kinh nghiệm về thực hành an toàn tiêm chủng mà ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Y tế đã rút kinh nghiệm trong toàn ngành và ban hành Quyết định 3029/QĐ-BYT về an toàn tiêm chủng, yêu cầu các điểm tiêm chủng thực hiện nghiêm việc khám sàng lọc để xác định đối tượng nào hoãn tiêm, đối tượng nào chống chỉ định; đặc biệt tăng cường kiểm tra chất lượng và an toàn tiêm chủng...
Trên thực tế, sau một thời gian thực hiện siết chặt an toàn tiêm chủng, đến nay, Bộ Y tế đã kiểm tra được hơn 13.000 điểm tiêm chủng, đạt tỷ lệ khoảng 98% số điểm tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc, trong đó chỉ phát hiện 1,7% số điểm tiêm chủng không đảm bảo các điều kiện an toàn và đã chỉ đạo khắc phục ngay những tồn tại về cơ sở vật chất, tờ rơi, áp phích truyền thông... phục vụ cho công tác tiêm chủng ở các điểm tiêm chủng. Bên cạnh đó, ngoài việc những điểm tiêm chủng qua kiểm tra thấy không đạt yêu cầu phải dừng tiêm chủng, các địa phương cũng đã tập huấn nhiều hơn, khám sàng lọc tốt hơn. Không cho tiêm quá 50 cháu trong một buổi tiêm chủng. Theo ông Phu, các sự cố về tiêm chủng gần đây khiến một số bà mẹ lo lắng hơn về tiêm chủng, nhưng cũng có nhiều bà mẹ đòi hỏi cao hơn khi đưa con đi tiêm chủng. Lấy dẫn chứng từ trường hợp ở Thanh Hóa vừa qua, một số cháu bé sinh mổ có sức khỏe không tốt nên cán bộ y tế chưa tiêm phòng viêm gan B trước 24 giờ, các bà mẹ đã thắc mắc. Thực tế này cũng khiến cho chất lượng tiêm chủng nâng cao hơn vì đã có sự tương tác ban đầu tốt giữa bà mẹ và cán bộ y tế trong công tác tiêm chủng.
Sẽ có nghị định hướng dẫn về tiêm chủng
Với kinh nghiệm của một chuyên gia về công tác tiêm chủng, PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Giám đốc Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia nhấn mạnh, các thầy thuốc tuyệt đối không để lẫn vaccin với các thuốc, sinh phẩm khác. Đây là quy định tối quan trọng để tránh tiêm nhầm, sự cố sau tiêm chủng. Ông Hiển cũng lưu ý, vaccin phải được bảo quản đúng nhiệt độ quy định, việc không tuân thủ làm biến đổi, ảnh hưởng đến chất lượng. Đối với các điểm tiêm chủng, cần phát hiện sớm các sự cố sau tiêm chủng trong thời gian theo dõi 30 phút tại điểm tiêm. Với sự cố nhẹ, cần cho trẻ bú nhiều hơn. Ngay cả các phản ứng nhẹ nhưng kéo dài hơn một ngày cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế. Tại các điểm tiêm chủng, cần ngay lập tức tạm dừng buổi tiêm chủng nếu có sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Đồng thời tiến hành lập biên bản, ghi nhận hiện trạng (tình trạng bảo quản vaccin, nhiệt độ bảo quản, dây chuyền tại nơi có sự cố nghiêm trọng...).
Liên quan đến công tác tiêm chủng, ông Phu cho biết, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định đền bù cho các trường hợp tai biến vaccin do lỗi vaccin, lỗi dịch vụ tiêm chủng... Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn thực hiện quy định này nên Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính xây dựng nghị định về tiêm chủng, trong đó hướng dẫn cách thức ứng xử với những trường hợp gặp tai biến nặng sau tiêm, những trường hợp tai biến như thế nào được gọi là tai biến nặng và đền bù ra sao.
Chưa cần thiết phải điều chỉnh lịch tiêm chủng sởi
Liên quan đến thông tin hiện nay có một số trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi đã mắc bệnh sởi, vậy cơ quan chức năng có thể xem xét tiêm sởi sớm hơn, ông Phu cho biết: “Lịch tiêm chủng do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Nói như vậy không phải là ta phụ thuộc hoàn toàn vào WHO mà không xem xét kỹ tình hình thực tế trong nước. Với bệnh sởi, theo tính toán của các chuyên gia, nên tiêm cho trẻ từ 9 tháng trở lên. Với các trường hợp mắc sớm hơn gần đây, đa phần đều do không nhận được miễn dịch từ mẹ truyền cho. Tuy nhiên, theo thống kê, số trẻ mắc sởi trước 1 tuổi chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong quần thể mắc sởi nói chung. Vì thế, theo chúng tôi không nên vì một vài trẻ, làm ảnh hưởng đến đặc thù tiêm chủng của hàng triệu cháu bé khác. Hơn nữa, căn cứ vào diễn biến sau nhiều vụ dịch sởi, chúng tôi cho rằng chưa cần phải điều chỉnh lịch tiêm”.