Bộ Y tế vừa có công văn số 579/KCB-NV gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Sở y tế các tỉnh thành và y tế các Bộ, ngành đề nghị tăng cường công tác phòng, xử trí sốc phản vệ trong các cơ sở y tế.
Theo báo cáo của các đơn vị qua đường dây nóng và bằng văn bản gửi về Bộ Y tế phản ánh các trường hợp sốc phản vệ ở các mức độ từ nhẹ đến nặng, thậm chí tử vong xảy ra trong quá trình cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị tích cực chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhằm để hạn chế sốc phản vệ và hậu quả do sốc phản vệ xảy ra.
Theo đó, các đơn vị phải tập huấn và tập huấn lại Thông tư số 08/1999/TT-BYT ngày 4/5/1999 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng và cấp cứu sốc phản vệ cho các nhân viên y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện Thông tư số 08/1999/TT-BYT ngày 4/5/1999 nêu trên gồm: Kỹ năng khai thác tiền sử dị ứng; Kiến thức, kỹ năng phát hiện sốc phản vệ và xử trí sốc phản vệ tại chỗ theo quy định, đồng thời chuẩn bị tốt thuốc, trang thiết bị chống sốc tại chỗ và bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, thuốc của khoa hồi sức cấp cứu để đáp ứng kịp thời việc cấp cứu người bệnh bị sốc phản vệ.
Cục quản lý Khám, chữa bệnh cũng đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh nghiêm túc thực hiện việc báo cáo phản ứng có hại của thuốc theo hướng dẫn hoạt động giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại các cơ sở khám, chữa bệnh đã được ban hành theo Quyết định số 1088/QĐ-BYT ngày 4/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế để kịp thời tổng hợp, phân tích.
Lê Hoàng