Tham dự buổi làm việc có: Phó TGĐ BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc liên quan và lãnh đạo BHXH 13 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa, An Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Kiên Giang.
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT thông tin, ước tính trong 10 tháng năm 2020, toàn quốc, số chi KCB BHYT chiếm 82,7% dự toán chi cả năm, thấp hơn 3% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, số lượt KCB BHYT cũng giảm so với cùng kỳ năm trước do tác động của dịch COVID-19 nhưng tổng chi KCB BHYT trong 10 tháng đầu năm lại không giảm nhiều với mức chi bình quân/lượt KCB BHYT cao hơn so với năm 2019...
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc.
Dự báo chi phí KCB BHYT trong 2 tháng 11-12/2020 sẽ có xu hướng gia tăng. Do đó, nếu không có các giải pháp quyết liệt và hiệu quả hạn chế gia tăng chi phí không cần thiết sẽ tác động tiêu cực đến Quỹ KCB BHYT. Ngoài TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, 11 địa phương tham dự buổi làm việc đều có số chi KCB BHYT trong 10 tháng đầu năm cao hơn bình quân chung toàn quốc với số chi chiếm từ 86-99% dự toán chi của cả năm cùng một số hiện tượng cần được quan tâm khác.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo BHXH các địa phương đã chia sẻ những khó khăn, nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động đến tăng chi KCB BHYT thời gian qua trên địa bàn như sự gia tăng số lượng cơ sở y tế, cơ sở y tế tư nhân; tác động của dịch COVID-19 khiến người bệnh hạn chế chuyển lên tuyến trên dẫn tới gia tăng mức phí bình quân cho một trường hợp bệnh...
Chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với các địa phương, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đề nghị, Ban Thực hiện chính sách BHYT tăng cường hỗ trợ các địa phương sử dụng hiệu quả hơn nữa hệ thống giám sát KCB BHYT; cung cấp các thống kê, phân tích thông số về sử dụng thuốc, vật tư y tế gửi về BHXH các tỉnh, thành phố phục vụ công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực này.
Về phía các địa phương, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn yêu cầu, khẩn trương rà soát lại hệ thống cơ sở KCB BHYT trên địa bàn; làm rõ các chỉ số về đa tuyến đến và đa tuyến đi cùng dự kiến về sự phát triển của các cơ sở y tế thời gian tới phục vụ cho việc dự toán chi phí; phân tích làm rõ những biểu hiện, chi phí bất thường và có những thông tin, đề xuất kịp thời gửi về BHXH Việt Nam...
Kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận những nỗ lực của toàn ngành trong việc triển khai dự toán, thực hiện chính sách BHYT thời gian qua; đồng thời đánh giá, công tác giám định, thanh toán, kiểm tra, kiểm soát dần đi vào nền nếp. Cơ quan BHXH mỗi tỉnh, thành phố đã ý thức chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT.
Thống nhất với những chỉ đạo của Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, BHXH các tỉnh, thành phố cần bám sát, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam trong công tác quản lý Quỹ, phối hợp thực hiện KCB BHYT nhưng cũng cần linh hoạt, cụ thể hoá vào điều kiện từng địa phương. BHXH các tỉnh, thành phố cần làm tốt công tác phối hợp với ngành y tế cùng các sở, ngành liên quan để cùng vào cuộc, tăng hiệu quả giám sát, quản lý việc sử dụng chi phí KCB BHYT đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người tham gia. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành, liên ngành trong lĩnh vực này... Đồng thời, lãnh đạo BHXH các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò người đứng đầu, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong đơn vị, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.