Tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công

19-10-2024 10:17 | Y tế
google news

SKĐS - Việt Nam vẫn là quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao. Để phòng chống bệnh lao, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam, Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho rằng, cần tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công.

Ngày 18/10, tại Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao quốc gia tổ chức Hội nghị triển khai Công điện số 25/CĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao và giao ban sơ kết Chương trình Chống lao quốc gia năm 2024.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện UBND TP Đà Nẵng, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, đại diện các bộ/ban/ngành/đoàn thể, Sở Y tế Đà Nẵng… lãnh đạo Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG), đại diện các đơn vị thực hiện CTCLQG từ Trung ương đến địa phương, các đối tác trong nước và quốc tế.

Tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công- Ảnh 1.

TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

TS. BSCC. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, năm 2024 là năm bản lề quan trọng của Chương trình, đánh dấu 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống lao giai đoạn 2024-2026 với những can thiệp/hoạt động toàn diện và đồng bộ nhằm phát hiện và điều trị nhiều nhất số ca lao mắc mới trong cộng đồng, góp phần đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam như đã cam kết với quốc tế và Chính phủ.

Ngày 25/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 25/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao. Công điện nêu rõ, tình hình bệnh lao tại Việt Nam còn rất nặng nề, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao nhất thế giới. Công tác phòng, chống lao chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đầu tư đồng bộ, toàn diện; hệ thống triển khai hoạt động phòng, chống lao còn hạn chế tại hệ thống y tế cơ sở chưa đồng đều và hiệu quả chưa cao; người dân còn kỳ thị, mặc cảm, chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe của bản thân, vẫn còn tình trạng giấu bệnh.

Tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công- Ảnh 3.

TS. BSCC. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia phát biểu tại hội nghị.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao và tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh lao. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo củng cố năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở; tăng cường chỉ đạo công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân lao, ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống lao trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức tổng kết 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao cho giai đoạn mới; xây dựng và cập nhật các hướng dẫn chuyên môn; tăng cường hợp tác quốc tế và tăng cường các giải pháp đảm bảo nguồn lực, đặc biệt là thuốc điều trị bệnh lao.

"Công điện số 25 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh lao kêu gọi sự tham gia hưởng ứng tích cực, sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, của các ban, bộ, ngành, địa phương, đoàn thể và toàn xã hội để tập trung nguồn lực, tích cực tham gia các hoạt động tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam", Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho hay.

Phát biểu tại hội nghị­­, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, Bộ Y tế luôn coi công tác phòng, chống bệnh lao là vấn đề cấp thiết cần được đặc biệt quan tâm và ưu tiên.

Tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công- Ảnh 4.

Hội nghị triển khai Công điện số 25/CĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao và giao ban sơ kết Chương trình Chống lao quốc gia năm 2024.

Trong năm 2024, Bộ Y tế đã rà soát, xây dựng, cập nhật và ban hành 2 cuốn tài liệu hướng dẫn chuyên môn quan trọng về bệnh lao, gồm: Quyết định số 162 phê duyệt tài liệu "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao"; Quyết định số 2627 phê duyệt tài liệu "Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế" nhằm chuẩn hóa việc triển khai hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp trên toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống lao.

"Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt trong việc triển khai Công điện số 25 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo sát sao về chuyên môn, nghiệp vụ công tác phòng, chống bệnh lao cho các địa phương. Tăng cường công tác tuyên truyền về gánh nặng bệnh lao, vai trò công tác phòng, chống bệnh lao và ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống bệnh lao, các dấu hiệu mắc bệnh lao để tầm soát sớm, có các biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời.

Vận động sự quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống bệnh lao bao gồm ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, tài trợ quốc tế, bảo hiểm y tế, xã hội hóa … để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc, đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây", Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết.

Trước mắt sẽ tổng kết, đánh giá 10 năm triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trên cơ sở đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh lao cho giai đoạn 2026-2030. Đồng thời triển khai điều tra dịch tễ lao toàn quốc nhằm đánh giá lại tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp phòng, chống bệnh lao hiệu quả, góp phần đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.

"Chấm dứt bệnh lao là việc làm có ý nghĩa to lớn và cơ hội chúng ta cần quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên từ hiện tại đến đích cuối cùng để chấm dứt bệnh lao còn rất xa và nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn có thể đạt được nếu có quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của toàn thể nhân dân. Tôi tin tưởng rằng nếu chúng ta xác định đúng những khó khăn cần giải quyết, đưa ra được đúng các phương pháp tiếp cận để đạt được mục tiêu, huy động được sự tham gia của toàn thể nhân dân thì việc dù khó chúng ta vẫn có thể giải quyết được", TS. Nguyễn Trọng Khoa cho biết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 17/10/2024 về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao.

Theo Quyết định trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh Lao (Ủy ban).

Phó Chủ tịch gồm: Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế (Thường trực); bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các Ủy viên của Ủy ban gồm: Ông Lê Văn Khảm, Ủy viên thường trực, Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đỗ Hùng Việt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Đỗ Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; ông Đinh Văn Lượng, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và ông Vũ Công Thảo, Chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ (Ủy viên kiêm Thư ký).

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 17/10/2024; thay thế Điều 1 Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

* Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban là nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ Chiến lược, phương hướng, giải pháp, chương trình hành động để giải quyết các vấn đề liên quan đến phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối các bộ, cơ quan, địa phương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao trên phạm vi toàn quốc; đôn đốc các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chương trình hành động và các hoạt động liên quan đến phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030; định kỳ, đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của Ủy ban Quốc gia.

Hỗ trợ các nước ASEAN ứng phó với bệnh lao, nhiễm trùng đường hô hấp qua đường không khíHỗ trợ các nước ASEAN ứng phó với bệnh lao, nhiễm trùng đường hô hấp qua đường không khí

SKĐS - Ngày 8/8/2024, tại thủ đô Viêng Chăn, Lào, Chương trình Phòng chống các bệnh truyền nhiễm qua đường không khí (Airborne Infection Defense Platform - AIDP) được ra mắt tại sự kiện bên lề của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN (AHMM) lần thứ 16.


Trần Hải
Ý kiến của bạn