Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng y tế cơ sở

20-12-2017 11:30 | Xã hội

SKĐS - Người dân được chăm sóc sức khỏe về mọi mặt ban đầu, từ tư vấn, hướng dẫn ăn sạch, dinh dưỡng hợp lý, ở sạch, chế độ luyện tập và quản lý áp lực trong cuộc sống để phòng chống bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, tim mạch bằng cách tránh xa các yếu tố gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia...

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 20 - NQ/TW) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề ra rất nhiều mục tiêu. Trong đó nhấn mạnh: Người dân được chăm sóc sức khỏe về mọi mặt ban đầu, từ tư vấn, hướng dẫn ăn sạch, dinh dưỡng hợp lý, ở sạch, chế độ luyện tập và quản lý áp lực trong cuộc sống để phòng chống bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, tim mạch bằng cách tránh xa các yếu tố gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia... Đồng thời người dân được khám, sàng lọc sớm các bệnh lý mãn tính không lây nhiễm như: Tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư… Đặc biệt việc này gắn với y tế cơ sở là trạm y tế xã, phường và trung tâm y tế huyện theo nguyên lý y học gia đình gần dân nhất, theo hướng quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để thực hiện được các vấn đề này, ngành Y tế tập trung nâng cao chất lượng y tế cơ sở và giải quyết căn bản tình trạng quá tải bệnh viện vào năm 2020.

Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng y tế cơ sở

Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng y tế cơ sở

Đối với chất lượng y tế cơ sở, hiện người dân chưa mặn mà do nhiều nguyên nhân như cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng, nhân lực còn chưa có chuyên môn sâu và đặc biệt là BHYT chi trả còn quá eo hẹp (khi người dân mắc bệnh hơi chuyên sâu thì tại tuyến xã đã không có thuốc BHYT đáp ứng) nên người dân phải lên tuyến trên. Chính thực tế này đã góp phần làm quá tải y tế tuyến trên.

Do đó, giải pháp sắp tới của ngành Y tế là tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng y tế cơ sở và đổi mới tài chính y tế cơ sở để giải quyết vai trò của “người gác cổng” về chăm sóc sức khỏe. Bộ trưởng cho biết, hiện ngành Y tế đang có đề án thí điểm 24 trạm y tế tại 8 tỉnh để từ đó nhân lên toàn quốc. Ngành Y tế sẽ quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, hẹn khám, tăng cường chất lượng để người dân khám tại tuyến dưới, bệnh nặng mới lên tuyến trên. Song song với đó, ngành Y tế tiếp tục thực hiện các đề án vệ tinh, đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để nâng cao năng lực cho y tế tuyến dưới.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, vấn đề tài chính y tế cũng cần được dần hướng đến tính đúng, tính đủ và đẩy mạnh bao phủ thực hiện BHYT toàn dân, kết hợp với quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo hỗ trợ thêm chi phí khám chữa bệnh cho người dân, rồi vai trò hỗ trợ của phòng/tổ công tác xã hội để hỗ trợ người bệnh nghèo...

Cùng đó, ngành Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các quy định về BHYT, ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản được BHYT thanh toán cho phù hợp với mức đóng.

Ngoài ra, ngành Y tế sẽ tập trung truyền thông, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án để các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân thực sự coi y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, nâng cao ý thức, tự giác của người dân... Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng thực hiện chăm sóc toàn diện, liên tục cho người dân ngay từ khi trong bụng mẹ đến khi mất đi, không chỉ khi đau ốm mà phải dự phòng, nâng cao sức khỏe, theo dõi sức khỏe liên tục. Đồng thời về vấn đề phòng bệnh, ngành Y tế sẽ tập trung đẩy mạnh truyền thông và tư vấn dự phòng, chống bệnh lây nhiễm, tiêm chủng, chú trọng đặc biệt các bệnh không lây nhiễm, khám, sàng lọc, phát hiện sớm.


N. Hạnh
Ý kiến của bạn