Hà Nội

Tăng cường năng lực cho các nghiên cứu y tế triển khai tại Việt Nam

16-05-2018 13:46 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nghiên cứu triển khai là một thuật từ mới. Nó không chỉ đánh giá thành công hay thất bại của các chương trình y tế, mà còn xem xét xem từng dự án/ chương trình đó có được triển khai đúng với cách tiếp cận hiệu quả...

Trong khuôn khổ hợp tác với Liên minh Nghiên cứu Chính sách và Hệ thống Y tế (AHPSR), Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức “Hội thảo công bố kết quả dự án Tăng cường năng lực cho các nghiên cứu triển khai tại Việt Nam”.

Hội thảo nhằm chia sẻ các đầu ra của dự án và báo cáo kết quả 6 nghiên cứu triển khai trong khuôn khổ dự án, từ đó tăng cường mối liên kết và hợp tác giữa các nhà khoa học, các chuyên gia trong thực hiện các nghiên cứu triển khai tại Việt Nam.

GS.TS Bùi Thị Thu Hà -Hiệu trưởng Trường ĐH Y tế Công cộng phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, GS.TS Bùi Thị Thu Hà- Hiệu trưởng Trường ĐH Y tế Công cộng cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân trong những năm qua. Số liệu báo cáo cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong việc đạt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), như mục tiêu 5a và 5b về tỷ suất tử vong mẹ và tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Độ bao phủ của các chương trình y tế và chất lượng dịch vụ đã được cải thiện rõ rệt.

Đây là kết quả của nhiều nỗ lực, giải pháp và hỗ trợ ở cả cấp quốc gia và quốc tế. Tuy vậy, các gánh nặng bệnh tật và tử vong của trẻ em vẫn còn tồn tại và sự cải thiện của nhiều chỉ số sức khỏe diễn ra rất chậm chạp. Vẫn còn sự chênh lệch trong tỷ lệ tử vong và bệnh tật giữa các vùng miền và giữa các nhóm dân số khác nhau, đặc biệt là trong nhóm dân tộc thiểu số.

Vẫn còn có sự khác biệt và thiếu công bằng trong tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng giữa các vùng miền khác nhau trên toàn quốc. Vì vậy, Trường Đại học Y tế công cộng hợp tác cùng Liên minh Nghiên cứu Chính sách và Hệ thống Y tế (AHPSR), Tổ chức y tế thế giới (WHO) thực hiện dự án “Tăng cường năng lực cho các nghiên cứu triển khai tại Việt Nam” nhằm tạo ra các chiến lược và những hiểu biết mới nhằm hỗ trợ cho việc triển khai hiệu quả hơn các chương trình y tế hiện có.

“Nghiên cứu triển khai là một thuật từ mới nhấn mạnh đến việc làm sao để có thể triển khai các can thiệp một cách hiệu quả ở những bối cảnh đa dạng khác nhau, với các hệ thống y tế khác nhau. Nghiên cứu triển khai tìm hiểu khác biệt giữa những điều có thể đạt được trên lý thuyết và những gì thực tế sẽ diễn ra”, GS.TS Bùi Thị Thu Hà nói.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Lợi – Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế khẳng định, nghiên cứu triển khai là một thuật từ mới. Nó không chỉ đánh giá thành công hay thất bại của các chương trình y tế, mà còn xem xét xem từng dự án/ chương trình đó có được triển khai đúng với cách tiếp cận hiệu quả. Các vấn đề để triển khai hiệu quả các chương trình y tế thường lại do các yếu tố bối cảnh mà những nhà hoạch định chính sách hoặc các nhà quản lý y tế như chúng tôi còn chưa biết đến.

TS Nguyễn Minh Lợi- Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo-Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên TS Lợi cũng lưu ý, chúng ta cần thực hiện các nghiên cứu triển khai và nghiên cứu xã hội nhằm hiểu rõ hơn về các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế và cấu trúc có ảnh hưởng tới triển khai các chương trình y tế và việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Cần đảm bảo các nguồn lực nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng này và tránh để xảy ra thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các nhóm đối tượng như người chưa lập gia đình (trong độ tuổi sinh sản), đối tượng trung niên và người già (ung thư cổ tử cung) và các nhóm dân số thiệt thòi khác.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình dân số nhanh chóng này đồng thời đặt ra nhu cầu bức thiết cần có thêm nhiều bằng chứng chính xác giúp xây dựng chương trình và chính sách đáp ứng nhu cầu thực sự và ưu tiên sức khỏe của người dân.

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn