Tăng cường nâng cao ý thức phòng, chống ngộ độc thực phẩm từ thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên cho bà con dân tộc thiểu số

20-09-2023 14:45 | Đời sống

SKĐS – Nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên như nấm rừng, rau dại, nấm mốc trên nông sản… ở đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sìn Hồ, Lai Châu vẫn luôn hiện hữu.

Sìn Hồ, Lai Châu là địa phương sinh sống của 14 dân tộc, trong đó nhiều nhất là các dân tộc: Mông, Dao, Thái... Người dân nơi đây giữ nếp sống, sinh hoạt ăn uống có sử dụng thực phẩm nguồn gốc từ tự nhiên, dễ dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Sìn Hồ đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại hộ gia đình do sử dụng thức ăn không đảm bảo vệ sinh. May mắn là các trường hợp bị ngộ độc đã được đưa đi cấp cứu tại các cơ sở y tế kịp thời nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Bởi vậy, ngộ độc thực phẩm luôn là vấn đề được các cấp chính quyền, ngành y tế huyện đặc biệt quan tâm.

Tăng cường nâng cao ý thức phòng, chống ngộ độc thực phẩm từ thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên cho bà con dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

BVĐK Lai Châu thường xuyên cấp cứu bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, trong đó có thực phẩm nguồn gốc từ tự nhiên là nấm. Ảnh BLC

Công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân nguy cơ ngộ độc thực phẩm tự nhiên cũng như sử dụng các thực phẩm công nghiệp không đảm bảo an toàn. Cùng với đó, phối hợp với các tổ chức đoàn thể huyện, xã thường xuyên giám sát và xử lý nguy cơ thường trực dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra, trong đó có từ các thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên như nấm rừng, rau dại, nấm mốc trên nông sản…

Trên địa bàn huyện hiện có hơn 450 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Trong đó bao gồm các bếp ăn tập thể tại trường học, trung tâm y tế, cơ sở ăn uống, khách sạn và 3 chợ truyền thống. Ngoài ra, còn khoảng 20 điểm kinh doanh thực phẩm đường phố nhỏ, lẻ. Phần đa các cơ sở hoạt động theo phương thức sản xuất thủ công, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Thống kê từ năm 2022 đến nay, các cơ quan chuyên môn của huyện Sìn Hồ tiến hành 192 lượt kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Qua đó, phát hiện 40 cơ sở vi phạm; 24 cơ sở vi phạm phải tiêu hủy sản phẩm; số hàng tiêu hủy trị giá 6,3 triệu đồng...

Theo ông Nguyễn Trung Quyền - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, tình trạng ngộ độc thực phẩm ở địa phương diễn biến phức tạp, cần sự chủ động vào cuộc từ các cấp chính quyền. Nâng cao nhận thức và ý thức tự bảo vệ sức khỏe, đảm bảo VSATTP của người dân là chìa khóa then chốt giảm thiểu nguy cơ ngộ độc.

Để nâng cao nhận thức và hạn chế tối đa nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, Trung tâm Y tế huyện trực tiếp và phối hợp tổ chức nhiều buổi truyền thông tại xã, bản về kiến thức đảm bảo VSATTP. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc phối hợp với trạm y tế cơ sở kiểm tra, giám sát, đa dạng hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức cho người dân trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn.

Lãnh đạo địa phương cho biết trong thời gian tới tiếp tục tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn thực phẩm an toàn, nhất là thực phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây.

Chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng TrịChăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Trị

SKĐS - Tại Quảng Trị, việc triển khai các hoạt động thuộc Dự án 7, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bước đầu đã cho thấy những hiệu quả, chuyển biến tích cực.


M.Hùng - H.My
Ý kiến của bạn