Tăng cường lãnh đạo, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030

16-07-2021 17:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Mới đây, Ban Bí thư TW Đảng đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.

HIV/AIDS hiện vẫn là một thách thức đối với sức khỏe cộng đồng

Mặc dù có nhiều thành tựu đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua như: Nhận thức của các cấp lãnh đạo có sự thay đổi tích cực; sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng đối với người bị HIV/AIDS giảm rõ rệt; nhiều người nhiễm HIV đã tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Sự phối hợp liên ngành triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Nhà nước, xã hội và cộng đồng quốc tế đã có sự đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi và hiệu quả. Tuy nhiên HIV/AIDS vẫn là một thách thức đối với sức khỏe cộng đồng. Nếu như không đẩy mạnh triển khai các biện pháp can thiệp toàn diện và hiệu quả, thì nguy cơ bùng phát dịch là rất cao.

Xét nghiệm HIV

Lấy máu xét nghiệm HIV.

Tăng cường công tác lãnh đạo phòng, chống HIV/AIDS

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tại Chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương. Xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nội dung trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; là một tiêu chí để đánh giá hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, đoàn viên, đảng viên trong xây dựng tổ dân phố, thôn, bản, gia đình văn hóa. Rà soát, bổ sung chương trình, quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS theo hướng đồng bộ, thống nhất với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS nhằm tác động hiệu quả tới mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh, thiếu niên và nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Lồng ghép, phối hợp hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố, thôn, bản văn hóa, cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...”.

HIV

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS nhằm bảo đảm tính phù hợp thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. Ban hành cơ chế, chính sách và tạo môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia bền vững của các tổ chức xã hội trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Nâng mức đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng chi trả từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế; bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục triển khai chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em bị nhiễm HIV, người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Tập trung triển khai rộng rãi, linh hoạt và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường các giải pháp can thiệp giảm tác hại và phòng ngừa lây nhiễm HIV, chú trọng can thiệp cho nhóm đối tượng ưu tiên. Nâng cao chất lượng điều trị người nghiện ma túy; đa dạng các mô hình điều trị nghiện ma túy, cấp phát thuốc tại tuyến cơ sở; triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIVcho các nhóm nguy cơ cao. Chủ động theo dõi, giám sát và dự báo kịp thời tình hình dịch HIV/AIDS; triển khai các nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV/AIDS. Ưu tiên triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đa dạng hóa dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh việc kết nối các dịch vụ, từ dự phòng, tư vấn, xét nghiệm đến điều trị HIV/AIDS và các hỗ trợ xã hội cần thiết khác. Huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong điều trị HIV/AIDS; phân cấp điều trị HIV/AIDS về tuyến y tế cơ sở; mở rộng chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng.

Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quốc gia, ban Chỉ đạo các địa phương về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS các tuyến. Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương.

 


Huệ Minh
Ý kiến của bạn