Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" là 1 trong 10 dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719 ngày 14/10/2022 (gọi tắt là Chương trình 1719).
Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Những cuốn sách trong khuôn khổ Dự án 8 giúp phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa có thêm kiến thức về bình đẳng giới.
Với vai trò đơn vị chủ trì Dự án 8, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa có thêm kiến thức về bình đẳng giới, mở rộng, nâng cao kiến thức nuôi dạy con và rèn kỹ năng sống, phòng chống bạo lực, xâm hại.
Trong đó, đáng chú ý là mô hình giới thiệu sách “Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới” đã và đang được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh/thành phố triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước.
Nội dung bộ sách được viết dưới dạng câu chuyện ngắn gọn, thông qua các tình huống được thể hiện bằng lời thoại và tranh vẽ nhằm thay đổi nhận thức về khuôn mẫu và định kiên giới, góp phần thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc - miền núi.
Bộ sách sẽ giúp phụ nữ và trẻ em có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các lĩnh vực giáo dục, học tập, trong phân công vai trò gia đình cũng như trong hướng nghiệp hay về quyền quyết định cho phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, thông qua những câu chuyện tình huống và các bài học, sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức, kỹ năng để trở thành những thủ lĩnh của sự thay đổi, trưởng thành khỏe mạnh và an toàn.
Thầy Kiêm Hươl, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Đây không chỉ đơn thuần là những cuốn sách, mà còn là những hành trang tri thức, những câu chuyện truyền cảm hứng, giúp các em học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, nhận diện rõ hơn các khuôn mẫu giới, định kiến giới đang tồn tại trong cộng đồng, từ đó hình thành tư duy tích cực và ý thức thay đổi vì một xã hội công bằng, văn minh hơn. Chúng tôi tin rằng, với những tài liệu học tập như thế này, các em học sinh sẽ có thêm cơ hội để mở rộng tầm nhìn, phát triển kỹ năng và nuôi dưỡng ước mơ thay đổi chính quê hương mình.”
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam chia sẻ về Dự án 8 là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Chương trình nhằm giúp phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa có thêm kiến thức về bình đẳng giới, mở rộng, nâng cao kiến thức nuôi dạy con và rèn kỹ năng sống, phòng chống bạo lực, xâm hại.
Ngoài ra, bà Khúc Thị Hoa Phượng còn chia sẻ về các hoạt động nổi bật, những trải nghiệm thực tế trong quá trình thực hiện dự án 8 cũng như tầm nhìn trong việc phát huy vai trò của sách và truyền thông trong công tác bình đẳng giới.
Dự án 8 được triển khai tại các tỉnh thành có xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc khu vực II, I (chưa được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành Chương trình 135), xã biên giới được xác định theo các văn bản của cấp có thẩm quyền; hướng tới đối tượng chính là phụ nữ và trẻ em gái.