Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường dược, mỹ phẩm và TPCN

09-07-2018 09:18 | Thời sự

SKĐS - Trong hai ngày 6-7/7, lực lượng chức năng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện và bắt giữ hàng loạt mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN), dược liệu thuốc y học cổ truyền đang lưu thông trên thị trường không rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Phát hiện nhiều sản phẩm dược, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Ngày 7/7, Tổ công tác 334 của Bộ Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh đã đồng loạt ra quân kiểm tra các mặt hàng gồm mỹ phẩm, TPCN, dược liệu, thuốc y học cổ truyền tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố. Ước tính, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 130.000 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá trên 500 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm tại Hà Nội.

Tại cửa hàng thuộc Công ty CP Beta Beauty (508 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Quy, quận 7), Đội QLTT 7B phát hiện lô phấn thơm, nước hoa trôi nổi trị giá lên tới 90 triệu đồng. Tại cửa hàng sức khỏe và sắc đẹp Guardian - Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Liên Á Châu (23-25 Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình), cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm các loại không hóa đơn, chứng từ. Tại khu vực chợ Bến Thành (Quận 1), lực lượng chức năng cũng tạm giữ hơn 1.500 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đáng chú ý, tại Trung tâm Thương mại Dược phẩm và Trang thiết bị y tế quận 10 (134/1 Tô Hiến Thành, quận 10), lực lượng chức năng đã phát hiện gần 70.000 viên, hộp, lọ tân dược; 14 thùng TPCN và tân dược không hóa đơn chứng từ. Toàn bộ số hàng nêu trên đang bị tạm giữ, chờ xử lý theo quy định pháp luật.

Tại Hà Nội, Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) vừa phối hợp với Chi Cục QLTT Hà Nội tổ chức đồng loạt kiểm tra 10 địa điểm bán mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra đã tạm giữ: 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại; trị giá hàng hóa vi phạm 149 triệu đồng. Tại Cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm - Biển hiệu “Skin House” có địa chỉ tại số 19 Nguyễn Phong Sắc, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, qua kiểm tra Đội QLTT số 13 đã phát hiện cửa hàng bày bán 396 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, ước tính trị giá hàng hóa theo giá niêm yết tại cửa hàng khoảng 49.440.000 đồng. Tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm có địa chỉ tại số 22 Chùa Bộc, Đống Đa, Đội QLTT số 14 đã kiểm tra, phát hiện có 608 sản phẩm mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, là hàng hóa nhập lậu; trị giá hàng hóa vi phạm là 48.950.000 đồng. Tại cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Skin house, địa chỉ: số 56, Trần Đại  Nghĩa, Hai Bà Trưng, qua kiểm tra phát hiện khoảng hơn 600 sản phẩm mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ theo quy định.

Cảnh báo giả danh là bác sĩ, dược sĩ để tư vấn và bán TPCN

Về phía ngành y tế, để tăng cường đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, giám sát, phát hiện dược phẩm, mỹ phẩm giả, TPCN giả, liên tiếp mới đây, các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương đề nghị tăng cường công tác thanh, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm. Các đơn vị này cũng cần phối hợp với Ban chỉ đạo 389 của địa phương và các cơ quan chức năng công an, quản lý thị trường, hải quan tiến hành điều tra truy tìm tận gốc các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc, mỹ phẩm, TPCN giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép sản xuất, lưu hành. Xử lý nghiêm theo quy định tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, TPCN không phép...

Đặc biệt, mọi người cần cảnh giác tình trạng nhiều nhân viên kinh doanh giả danh là bác sĩ, dược sĩ để tư vấn và bán TPCN.


Đỗ Ngọc - Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn