Hà Nội

Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị tham gia BHXH

26-03-2020 09:29 | Xã hội
google news

SKĐS - Về phía người lao động, người sử dụng lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 khi tình hình sản xuất đình trệ, thực hiện Chỉ thị số 11/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào Quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Điều kiện đối với các doanh nghiệp (DN), đơn vị thuộc diện tạm dừng đóng BHXH vào Quỹ hưu trí và tử tuất:

- Gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra dẫn đến không bố trí được việc làm cho NLĐ, trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên.

- Hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

DN có văn bản đề nghị tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất kèm theo văn bản xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc hoặc văn bản xác định giá trị tài sản bị thiệt hại gửi cơ quan BHXH để tạm dừng tính thu Quỹ hưu trí và tử tuất đối với DN.

Doanh nghiệp khó khăn do dịch COVID-19 được tạo điều kiện tạm ngưng đóng BHXH vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

Doanh nghiệp khó khăn do dịch COVID-19 được tạo điều kiện tạm ngưng đóng BHXH vào Quỹ hưu trí và tử tuất.

Trong đó, thẩm quyền xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc đối với DN thuộc UBND địa phương quản lý, do cơ quan LĐ-TB&XH địa phương xác định; đối với DN thuộc bộ, ngành Trung ương quản lý, do bộ, ngành xác định, số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc được tính so với tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh.

Thẩm quyền xác định giá trị tài sản bị thiệt hại đối với DN thuộc UBND địa phương quản lý, do cơ quan Tài chính địa phương xác định; đối với DN thuộc bộ, ngành Trung ương quản lý, do cơ quan tài chính của bộ, ngành hoặc Bộ Tài chính xác định. Giá trị tài sản bị thiệt hại được tính so với giá trị tài sản theo báo cáo kiểm kê tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của DN, cơ quan xác định số lượng lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc hoặc cơ quan xác định giá trị tài sản bị thiệt hại có trách nhiệm xem xét, xác định và có văn bản trả lời DN.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các địa phương tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020 ngay khi nhận được hồ sơ đề nghị của DN và không tính lãi theo quy định. Trong trường hợp đến hết tháng 6/2020 mà dịch COVID-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu DN có đề nghị thì kịp thời phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh, thành phố gửi BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.

Trong thời gian tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gây ra nếu DN không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, hằng tháng đôn đốc DN đóng đầy đủ, kịp thời vào Quỹ ốm đau, thai sản, Quỹ TNLĐ-BNN, Quỹ BHYT và BH thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Đặc biệt, kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6/2020), kịp thời thông báo và đôn đốc DN đóng đầy đủ các Quỹ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, hưu trí và tử tuất bao gồm cả việc đóng bù Quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó. Công văn cũng nhấn mạnh, BHXH các địa phương phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất theo đúng quy định của pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, tránh lạm dụng, trục lợi.

Như vậy, việc BHXH Việt Nam ban hành và tổ chức thực hiện việc tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có tác động không nhỏ tới cộng đồng DN và đời sống của NLĐ trong điều kiện dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp, góp phần vào việc chung tay thực hiện nhiệm vụ kép mà Thủ tướng Chính phủ vừa giao, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân; góp phần duy trì, ổn định, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn