Theo thống kê, hiện cả nước có gần 600.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, mới có khoảng 200.000 DN tham gia BHXH. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, trong năm 2016, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp cơ quan thuế, đề nghị các DN phải kê khai đóng BHXH cho người lao động. Ngoài ra, để đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các DN, trong năm 2016, BHXH Việt Nam sẽ tập trung đào tạo, tập huấn cán bộ BHXH để có thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật BHXH (sửa đổi).
Tình trạng nợ đọng BHXH vẫn xảy ra phổ biến
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2015 khoảng 7.567 tỷ đồng, giảm so năm 2014 hơn 1.400 tỷ đồng. Trong đó, số nợ BHXH là khoảng 5.692 tỷ đồng, nợ BHYT là 1.560 tỷ đồng, BHTN là 315 tỷ đồng. Có khoảng 103.000 DN nợ với số tiền khoảng 5.300 tỷ đồng... Có thể thấy, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH vẫn đang xảy ra ở tất cả các địa phương; việc tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, mà biểu hiện là tình trạng trốn đóng BHXH, đăng ký số người tham gia BHXH và mức tiền lương, tiền công tham gia BHXH thấp hơn so với tiền lương thực tế.
Theo ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu - BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là nhiều DN vẫn đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, không ít DN vẫn cố tình trốn tránh, vi phạm chính sách BHXH, BHYT khi lãi suất tiền phạt chậm đóng BHXH thấp, các chế tài xử phạt chưa cao...
Thời gian qua, khởi kiện được coi là một biện pháp mạnh để xử lý đối với những DN có số nợ BHXH lớn và kéo dài, nhưng trên thực tế, việc khởi kiện và thi hành án đối với những DN này đang gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng truy thu cũng gặp khó khăn, phức tạp do người lao động đã nghỉ việc, đơn vị không lưu giữ hồ sơ tuyển dụng nên khó trong quản lý thu nộp... Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, khi khởi kiện các DN nợ BHXH, có khoảng 30% số DN đã thực hiện ngay việc đóng BHXH, khoảng 40% số DN chấp nhận để thụ lý vụ án, còn lại tới 30% số DN gặp phải tình trạng rất khó khăn, như phá sản, giải thể hoặc chờ giải thể...
Thêm nhân lực thanh tra chuyên ngành để giám sát, xử phạt các vấn đề về BHXH
Theo thống kê, hiện cả nước có gần 600.000 DN đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, mới có khoảng 200.000 DN tham gia BHXH. Trên thực tế, nhiều DN có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng không tồn tại hoặc có quy mô quá nhỏ. Do đó, năm 2016, BHXH Việt Nam sẽ có nhiều giải pháp để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra số DN còn lại để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ngành BHXH phối hợp cơ quan thuế, đề nghị các DN phải kê khai đóng BHXH cho người lao động; đối với lao động không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc cũng phải có xác nhận giữa ngành BHXH và ngành thuế. Có như vậy mới quản lý được số DN ngoài quốc doanh, chủ yếu là DN vừa và nhỏ như hiện nay.
Bên cạnh đó, ông Trần Đình Liệu bổ sung thêm, từ năm 2016, cơ quan bảo hiểm có thêm chức năng thanh tra việc đóng BHXH của DN. Những loại tiền được xác định là phụ cấp nhưng DN lại lách bằng cách chuyển sang loại khác thì thanh tra sẽ phát hiện được.
Làm rõ thêm thông tin về vấn đề này, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết: Năm 2015, ngành BHXH phối hợp Thanh tra Chính phủ tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ thanh tra cho 500 cán bộ ngành BHXH, để năm 2016 khi Luật BHXH (sửa đổi) và các văn bản có hiệu lực có thể triển khai công tác thanh tra trong lĩnh vực này. Dự kiến, năm 2016 đến 2018 sẽ tiếp tục đào tạo và cấp chứng chỉ thanh tra cho khoảng 3.000 cán bộ ngành BHXH làm công tác thu, kiểm tra... Đội ngũ cán bộ này sẽ bổ sung, phối hợp với lực lượng thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (khoảng hơn 570 người) để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương.
Theo đó, với quy định chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH thì công tác xử lý vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN sẽ đạt hiệu quả cao hơn, bởi cơ quan BHXH trực tiếp thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN nên sẽ nắm chắc các đơn vị, DN sử dụng lao động vi phạm quy định về BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, thường xuyên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm có hiệu quả.
Cơ quan BHXH sẽ cùng với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra ngành LĐTB&XH, ngành Y tế, ngành Tài chính, ngành Giáo dục... tăng cường thanh tra, ngăn ngừa vi phạm và kịp thời kiến nghị, sửa đổi những tồn tại, vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN góp phần bảo đảm cho việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN đúng quy định của pháp luật và ngày càng tốt hơn.