Tăng cường đầu tư cho y tế biển đảo

18-06-2014 06:00 | Thời sự
google news

SKĐS - “Phát triển và kiện toàn y tế biển đảo là vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay. Sau các chuyến khảo sát của Bộ Y tế trên các huyện đảo, chúng ta cần tập trung lựa chọn những vấn đề cấp thiết...

“Phát triển và kiện toàn y tế biển đảo là vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay. Sau các chuyến khảo sát của Bộ Y tế trên các huyện đảo, chúng ta cần tập trung lựa chọn những vấn đề cấp thiết, ưu tiên để đầu tư trong bối cảnh nguồn lực tài chính có hạn như các vấn đề về nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy, trang thiết bị máy móc, tàu, thuyền cứu nạn, thuốc men...” - Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về y tế biển đảo nhằm Tổng kết 1 năm thực hiện Quyết định 317 của Thủ tướng về Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020 diễn ra ngày 17/6 tại Bộ Y tế...

Khám chữa bệnh miễn phí cho ngư dân đảo Lý Sơn. Ảnh: Toàn Thắng

Khám chữa bệnh miễn phí cho ngư dân đảo Lý Sơn. Ảnh: Toàn Thắng

Cần đào tạo thêm về y học biển

Tại cuộc họp, nhằm đảm bảo công tác y tế cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển và ngư dân trên vùng biển thuộc huyện đảo Hoàng Sa của Việt Nam, các đại biểu của Bộ Quốc phòng, hải quân, quân y và Ủy ban QG Tìm kiếm cứu nạn đã cùng tham gia đóng góp ý kiến để tăng cường năng lực cứu chữa người bệnh trên biển, dựa trên các tàu cấp cứu trên biển, tàu có năng lực như một trạm xá với 12 giường bệnh, 1 phòng mổ có khả năng tiến hành phẫu thuật trên biển. Trong trường hợp khẩn cấp có thể cấp cứu người bệnh tại các trung tâm y tế huyện đảo mà không cần đưa về đất liền. Thậm chí có thể sử dụng công nghệ cao như Telemedicine, trực tuyến trong chẩn đoán và điều trị ngay tại chỗ... Tất cả sẽ được kiện toàn trong đề án, trong đó một số dự án được các đại biểu yêu cầu triển khai như nâng cấp các cơ sở y tế ở Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Quân dân y huyện đảo Lý Sơn, Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, trang bị trang thiết bị y tế cho 2 bệnh xá nổi, 32 tàu vận chuyển cấp cứu gần bờ của lực lượng biên phòng, 8 tàu vận chuyển cấp cứu gần bờ của lực lượng cảnh sát biển...

Nguồn nhân lực y tế phục vụ cho các lực lượng trên biển dự kiến sẽ được cụ thể hoá và tăng cường chuyên môn y tế biển đảo. Bởi hoạt động y tế trên biển rất đặc thù nên người bác sĩ cần trang bị những kiến thức và trình độ về y học biển, chế độ phụ cấp ưu đãi còn thấp nên chưa thu hút được nguồn nhân lực. Các đại biểu đề xuất cần đào tạo theo hướng cầm tay chỉ việc, đào tạo thêm về y học biển, bởi những tình huống cấp cứu, đuối nước trên biển rất phổ biến.

Hàng ngàn ca cấp cứu đã được y tế biển đảo thực hiện

Liên quan đến công tác y tế biển đảo, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, hiện Bộ Y tế đang phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ chế về cấp thẻ BHYT cho 100% người dân đang sống tại các xã đảo, huyện đảo để trình Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Liên, hiện nay, những người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số... tại các xã đảo, huyện đảo vẫn đang được cấp thẻ BHYT miễn phí theo quy định chung. Tuy nhiên, Bộ Y tế mong muốn cần phải cấp thẻ BHYT miễn phí cho toàn bộ cư dân sống ở các xã đảo, huyện đảo. Bên cạnh việc nỗ lực xúc tiến chương trình cấp thẻ BHYT cho người dân trên các xã đảo, huyện đảo, Bộ Y tế cũng tăng cường triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị và nâng cao chất lượng KCB của các cơ sở y tế tại các đảo.

Cũng theo ông Liên, trong thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã tổ chức khảo sát tình hình y tế tại một số đảo như: Trường Sa lớn, đảo Thổ Chu, đảo Phú Quốc, đảo Bạch Long Vỹ...; lồng ghép dự án quân dân y kết hợp với Đề án 317 để đảm bảo tốt việc chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biển đảo; ban hành danh mục thuốc và dụng cụ y tế cho các tàu cá của ngư dân...

Sau hơn một năm triển khai Đề án 317, đến nay hầu hết các bộ, ngành và địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện Đề án 317. Trong năm 2013, trên toàn tuyến biển đảo đã cấp cứu 1.641 ca; khám cấp thuốc, điều trị cho 32.072 lượt người và khám cấp thuốc miễn phí cho 13.600 lượt người. Thực hiện đề án này, Bộ Y tế đã triển khai 4 khóa đào tạo chuyên khoa định hướng về y học biển đảo cho 60 bác sĩ ngành giao thông vận tải, quân y; 4 khóa huấn luyện an toàn lặn biển cho 200 thợ lặn; huấn luyện cấp cứu trên biển cho hàng ngàn ngư dân.

Nhiều ưu đãi đối với bác sĩ trẻ tình nguyện đến vùng khó khăn, biên giới hải đảo

Ðó là những nội dung cơ bản được đề cập tại cuộc tọa đàm thực hiện “Ðề án thí điểm đưa bác sĩ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” do Bộ Y tế và Trường ÐH Y Dược Huế phối hợp tổ chức ngày 16/6 tại TP. Huế. Theo BS. Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), bác sĩ trẻ tham gia đề án nói trên sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi. Ðặc biệt, nếu hoàn thành tốt công tác tình nguyện theo thời gian quy định, những bác sĩ tham gia đề án sẽ được tuyển dụng ở bất cứ bệnh viện nào theo nhu cầu; được ưu tiên tham gia các khóa đào tạo nghề nghiệp. Trong thời gian đi học, họ được hưởng nguyên lương và thu nhập tăng thêm như các viên chức khác cùng chức danh nghề nghiệp, cùng bậc.

Thái Bình - Hải Yến

 


Ý kiến của bạn