Tăng cường cơ sở hạ tầng cùng nâng cao thái độ ứng xử để phục vụ người bệnh

26-02-2015 21:36 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhân dịp 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 và khánh thành 2 công trình ở Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Nhi Trung ương, phóng viên báo Sức khỏe và đời sống đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về hiệu quả của công tác đầu tư cho ngành y tế.

Đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2015, Bộ Y tế đã khánh thành và đưa vào sử dụng  Khu Khám bệnh thuộc dự án Cải tạo và nâng cấp BV Nhi Trung ương giai đoạn II và Khu kỹ thuật cao của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Việc hoàn thành hai công trình góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giải quyết tình trạng quá tải ở 2 bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước. Nhân dịp này, Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để hiểu rõ thêm về hiệu quả của công tác đầu tư cho ngành y tế.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cắt băng khánh thành nhà Kỹ thuật cao của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức. Ảnh : TM

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cắt băng khánh thành nhà Kỹ thuật cao của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức. Ảnh : TM

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết, ngành y tế đã sử dụng các nguồn lực nào để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế từ tuyến Trung ương đến cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng ngày càng cao đối với tất cả các tuyến, nhất là vùng sâu vùng xa và tuyến y tế cơ sở, những năm qua, công tác đầu tư cho ngành y tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ , hơn 600 bệnh viện huyện trong toàn quốc đã được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa với các trang thiết bị khang trang cùng với chuyển giao kỹ thuật và đào tạo cán bộ. Cũng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, một số bệnh viện tuyến tỉnh, những vùng khó khăn vùng sâu, vùng xa và một số bệnh viện tuyến Trung ương… cũng đã được đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, còn có nguồn vốn xã hội hóa. Điển hình là việc xây dựng khu nhà kỹ thuật cao của Bệnh viện Việt Đức chỉ có 30% nguồn vốn Nhà nước, còn lại là vốn vay ngân hàng và các nguồn vốn khác. Từ các nguồn vốn này đã xây dựng được tòa nhà với cơ sở vật chất khang trang với trang thiết bị hiện đại và kèm theo đó là công tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao có thể vận hành được các thiết bị này.

Phóng viên: Hiệu quả của việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được thể hiện ở những điểm nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng tôi cho rằng, hiệu quả đạt được là rất cao, mặc dù vốn đầu tư xây dựng còn khá khiêm tốn. Hiệu quả rõ rệt nhất là toàn bộ hệ thống bệnh viện tuyến huyện trong cả nước đã thay đổi bộ mặt về cơ sở hạ tầng, từ phòng ốc cho đến trang thiết bị. Các bệnh viện tuyến tỉnh được Nhà nước đầu tư đã trở nên khang trang, hiện đại hơn. Ở tuyến Trung ương, trong tương lai sẽ có 5 bệnh viện mới được đầu tư rất hiện đại được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, từ năm 2015 trở đi, nhiều cơ sở khám chữa bệnh mới sẽ được hình thành, kèm theo việc thực hiện Đề án chuyển giao kỹ thuật và luân phiên cán bộ xuống tuyến dưới sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên và cải thiện rõ rệt tình trạng nằm ghép trong các bệnh viện…

Phòng khám tại Bệnh viện Nhi với các trang thiết bị hiện đại. Ảnh : TM

Phòng khám tại Bệnh viện Nhi với các trang thiết bị hiện đại. Ảnh : TM

Phóng viên: Việc ứng dụng kỹ thuật mới trong công tác điều trị đã mang lại kết quả rõ nét, trong thời gian tới Bộ Y tế có những định hướng phát triển như thế nào nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các tuyến, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong quy hoạch phát triển cũng như chiến lược phát triển ngành y tế, ngành y tế luôn quan tâm đến công tác khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến, kể cả tuyến xã, trong đó chú trọng mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu và công tác phòng chống dịch bệnh… Đối với tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến Trung ương cần chú trọng đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và áp dụng các kỹ thuật cao ngay cả ở tuyến tỉnh, thậm chí là tuyến huyện. Đặc biệt ở tuyến Trung ương, Bộ quyết tâm giảm tải, không còn nằm ghép và thực hiện khám chữa bệnh bằng kỹ thuật cao như ghép tạng, mổ nội soi, ứng dụng tế bào gốc, điều trị ung thư bằng kỹ thuật cao, can thiệp tim mạch, hỗ trợ sinh sản và các giải pháp để điều trị các bệnh mới phát sinh như rối loạn chuyển hóa, bệnh ở người cao tuổi... Bộ Y tế tin tưởng rằng với sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, những nỗ lực của cán bộ của ngành y tế và sự hội nhập quốc tế sâu rộng về khoa học, kỹ thuật, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm y tế kỹ thuật cao. Hiện nay, nhiều người nước ngoài đã đến Việt Nam chữa bệnh, thậm chí đã quay trở lại chữa bệnh vì giá thành rẻ hơn nhiều so với nước ngoài mà chất lượng lại tương đương. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, cơ sở vật chất của hệ thống khám chữa bệnh cần nâng cao hơn nữa, bên cạnh đó, thái độ phục vụ của cán bộ y tế cần tốt hơn nữa thì lượng người ra nước ngoài sẽ giảm hẳn và chắc chắn họ sẽ quay lại khám chữa bệnh trong nước.

 

Người bệnh được chăm sóc và điều trị tại nhà kỹ thuật cao của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức> ảnh

Người bệnh được chăm sóc và điều trị tại nhà kỹ thuật cao của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức> ảnh

Phóng viên: Thế giới đánh giá thế nào về thành tựu y tế của Việt Nam trong thời gian qua, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Việt Nam được quốc tế đánh giá là có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp từ Trung ương đến tận thôn, bản, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất. Trong lộ trình thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, Việt Nam là 1 trong 7 nước hàng đầu có thu nhập trung bình đạt được tiến bộ trong giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em, giảm suy dinh dưỡng... trong các mục tiêu Thiên niên kỷ. Việt Nam được đánh giá là ứng dụng nhiều thành tựu y học trong y tế và đã tự sản xuất được vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, nhiều kỹ thuật cao như mổ nội soi, can thiệp tim mạch, ghép tạng, ứng dụng tế bào gốc… đã được các bác sỹ Việt Nam thực hiện. Nhiều chuyên gia y tế của các nước trong khu vực và quốc tế đã đến Việt Nam học tập kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn do các chuyên gia Việt Nam đào tạo, hướng dẫn…

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết định hướng của Bộ Y tế trong đầu tư cho kỹ thuật cao thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp nên việc đầu tư cần thực hiện không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm, dựa vào các cơ sở có nguồn nhân lực kỹ thuật cao, có cơ sở hạ tầng, trạng thiết bị đầy đủ. Bộ Y tế hướng tới lộ trình các kỹ thuật cao không chỉ thực hiện ở tuyến Trung ương mà thực hiện cả ở tuyến tỉnh. Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh đang nỗ lực học tập và tiếp nhận các kỹ thuật cao, nhiều bệnh viện đã đạt mức ngang bằng các bệnh viện tuyến Trung ương.../.

Lê Hảo (ghi)

 

 

 


Ý kiến của bạn