Khi một người bị ho, theo Đông y nói riêng cũng như thầy thuốc nói chung, đó là dấu hiệu báo 1 người đang bị tổn thương cơ quan hô hấp. Có thể tổn thương nhẹ, chỉ viêm họng, có thể là viêm đường hô hấp trên, tổn thương phế quản, nguy hiểm hơn là tổn thương phế nang. Do đó nếu người bệnh được khám sớm, can thiệp sớm, cho dùng thuốc sớm thì người bệnh sẽ khỏi. Nếu không được quan tâm sớm, bệnh nặng lên ảnh hưởng tới cơ quan hô hấp, có thể nguy hiểm với người bệnh.
Trong Đông y nói riêng cũng như y học hiện đại, vai trò của cơ quan hô hấp rất quan trọng. Tạng phế theo Đông y, là tạng có nhiệm vụ trao đổi chất, cung cấp oxy để chúng ta hít thở. Tạng phế cung cấp nguyên khí, làm cho khí được nạp đầy đủ. Khí lưu thông đưa dần huyết tới để nuôi tất cả các bộ phận trong cơ thể. Khí huyết lưu thông thì sức khỏe cơ thể mới tốt. Do vậy, có thể nói vai trò của hô hấp, trao đổi khí, vai trò của tạng phế đối với cơ thể là vô cùng quan trọng, liên quan tới sinh mạng của cơ thể. Ở người cao tuổi, chức năng tạng phế suy giảm thường dẫn tới các cơn ho gió, ho khan, tái đi tái lại, ho dai dẳng.
Chia sẻ trong chương trình truyền hình trực tuyến ngày 23/10 do báo điện tử Sức khoẻ&Đời sống thực hiện với chủ đề "Bổ phế trong phòng và trị ho ở người cao tuổi", TTND.PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết đối với chứng ho ở người cao tuổi, nguyên tắc điều trị trong Đông y trước hết phải tìm nguyên nhân gây ho. Ho có thể do nhóm nguyên nhân từ bên ngoài, do thay đổi thời tiết: lạnh quá hay độ ẩm cao quá. Ho có thể bởi nguyên nhân do chức năng tạng phế suy giảm rất dễ tổn thương. Ho cũng có thể do nguyên nhân mạn tính như viêm phế quản mạn, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Cách điều trị theo y học cổ truyền (YHCT), ngoài điều trị nguyên nhân, còn phải làm bổ tạng phế, để tạng phế mạnh lên thì mới có thể phòng chống được nguyên nhân gây bệnh. Cách điều trị Đông y là vừa chỉ định nguyên nhân, vừa nâng cao tạng phế, sức khỏe chung mạnh lên để góp phần trừ ho một cách hiệu quả. Có những bệnh phải kết hợp y học hiện đại (YHHĐ) với y học cổ truyền (YHCT). Ví dụ, bị co thắt phế quản, gây khó thở, cần phải can thiệp YHHĐ để làm giãn phế quản để bệnh nhân thở được. Tích hợp với phương pháp YHCT để điều trị về nguyên nhân một cách cơ bản, tránh tái phát cho người bệnh.
Như vậy, tìm được nguyên nhân gây bệnh, kết hợp giữa YHHĐ và YHCT cũng như bổ tạng phế, nâng cao sức khỏe chung của cơ thể là nguyên tắc cơ bản trong điều trị chứng ho của YHCT kết hợp YHHĐ.
Trong trường hợp không phải do mắc bệnh đường hô hấp mạn tính, mà do nguyên nhân khách quan bên ngoài do ảnh hưởng thời tiết lạnh, nếu điều trị ngay, dùng thuốc ho bổ phế chỉ trong 1-2 ngày cắt ngay cơn ho cho người bệnh, ngăn diễn biến nặng.
Trong Đông y, có nhiều bài thuốc vị thuốc điều trị dùng cho bổ phế. Trong đó, xuyên bối tỳ bà cao là bài thuốc cổ phương từ hơn 300 năm nay, lưu truyền trong YHCT. Trong bài thuốc này có đến 13 vị thuốc, đặc biệt có vị thuốc hàng đầu là vị xuyên bối.
Các bậc tiền nhân cơ cấu bài thuốc theo hướng quân thần tá xứ. Vị thuốc đứng đầu có tác dụng chính của bài thuốc thì gọi là quân. Thuốc góp phần làm tăng cường tác dụng của bài thuốc gọi là thần. Những vị thuốc có tính chất bổ trợ thêm gọi là tá. Và những vị thuốc có tác dụng dậm thuốc vào nơi mà mình muốn tác động gọi là xứ.
Trong bài thuốc còn có các vị thuốc giúp trừ ho, hóa đờm kết hợp với các vị thuốc bổ. Trong thuốc trị ho, vừa có thuốc trị ho hàn, vừa có thuốc trị ho nhiệt. Thuốc trị ho nhiệt thì có tính hàn như xuyên bối mẫu, tỳ bà diệp, qua lâu nhân…giúp thanh phế, tán kết, hóa đàm, chỉ khái. Thuốc trị ho hàn thì có tính ấm như trần bì, cát cánh, bán hạ, có tác dụng ôn phế, hóa đàm, chỉ khái.
Thuốc bổ, cũng gồm có thuốc ôn bổ và thanh bổ. Thuốc ôn bổ có tính ấm như viễn chí, ngũ vị tử, ôn bổ phế khí, giúp cơ thể thích ứng được với thay đổi của môi trường bên ngoài, đặc biệt là khí lạnh.
Thuốc bổ mát như sa sâm giúp bổ phế âm. Nhờ đó, bài thuốc có thể sử dụng trong nhiều trường hợp, cả ho hàn và ho nhiệt, ho do cảm lạnh, nhiễm lạnh, ho gió, ho trong các bệnh lý viêm đường hô hấp, viêm họng…
Mùa đông đang đến gần. Giao mùa là lúc cần bảo vệ sức khỏe, đặc biệt đối với người cao tuổi. Do vậy, TTND.PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh khuyến cáo người cao tuổi khi mùa đông đến cần phải mặc ấm, giữ ấm cổ, mũi, họng, tăng cường chức năng hô hấp và chức năng của tạng phế.