Theo thống kê của BHXH Việt Nam, nếu vào thời điểm cuối năm 2017, tỷ lệ liên thông dữ liệu của cả nước chỉ đạt khoảng 76%, thì đến nay, tính đến hết quý I/2019, tỷ lệ này đạt hơn 97%.
Tuy nhiên, tình hình liên thông dữ liệu KCB BHYT của các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh tính đến tháng 5/2019 chỉ đạt 84,16% thấp hơn toàn quốc (97,53%, đứng thứ 61/63 tỉnh, thành).
Cụ thể như sau: Trong tổng số 385 cơ sở được BHXH ký hợp đồng KCB BHYT trên địa bàn thành phố thì có 17 cơ sở không có dữ liệu; tỷ lệ liên thông dữ liệu đúng ngày chỉ đạt 60,02%, thấp hơn cả nước (80,16%), trong đó có 33 cơ sở KCB không có hồ sơ nào liên thông đúng ngày.
Ngoài ra, chất lượng dữ liệu và mã danh mục kỹ thuật cũng là vấn đề đáng được quan tâm vì còn nhiều lỗi dẫn đến hồ sơ bị từ chối tự động, xuất toán tự động.
Trong tình hình quá tải bệnh nhân, để thực hiện tốt liên thông dữ liệu KCB BHYT theo quy định, Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo tất cả bệnh viện và các cơ sở KCB trên địa bàn thành phố tăng cường đầu tư nguồn lực, bổ sung nhân lực chuyên trách cho “Tổ BHYT” của bệnh viện, rà soát và củng cố quy trình hoạt động, phải xem hoạt động liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT là một hoạt động trọng tâm trong quy trình KCB BHYT, liên quan trực tiếp đến công tác giám định của BHXH và nguồn thu của bệnh viện.
Tổ BHYT của Sở Y tế sẽ rà soát, làm việc cụ thể và hướng dẫn các bệnh viện chưa thực hiện tốt công tác liên thông dữ liệu KCB BHYT theo quy định của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (Điều 21), tiến đến công khai danh sách các bệnh viện và các cơ sở y tế chưa thực hiện tốt hoạt động liên thông dữ liệu KCB BHYT trên Cổng thông tin điện tử của Ngành Y tế (dự kiến từ tháng 7/2019).
Sau gần 2 năm đưa vào vận hành, hệ thống thông tin giám định BHYT đã kiểm soát, giám sát thực hiện các dịch vụ y tế của bệnh viện và người tham gia BHYT, đồng thời cảnh báo những vấn đề bất thường và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.
Bệnh nhân có thẻ BHYT khi đến khám, chữa bệnh sẽ được kiểm tra trực tiếp với cơ sở dữ liệu thẻ do cơ quan BHXH cấp và quản lý. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh góp phần minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT.