Phòng tránh thai mang lại lợi ích gì?
Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là trên 24,2 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Tuy nhiên, hàng năm, theo báo cáo, vẫn còn 250.000-300.000 ca phá thai do mang thai ngoài ý muốn, trong đó có nhiều trường hợp là vị thành niên. Báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), năm 2017, trong tổng số 247.152 ca phá thai, có 72,79% số ca phá thai dưới 7 tuần; 24,25% số ca phá thai từ 7 đến 12 tuần, còn lại 2,97% phá thai trên 12 tuần. Nạo phá thai để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như sót nhau thai, chảy máu, nhiễm khuẩn, thủng tử cung, dính lòng tử cung, vô sinh...
Đối với tuổi vị thành niên mà nạo phá thai, mức độ mắc bệnh và biến chứng sau này còn nặng nề hơn rất nhiều. Chính vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh thai hiệu quả như dùng dụng cụ tránh thai, thuốc tránh thai, xuất tinh ngoài, bao cao su nam hay đình sản... mang lại nhiều lợi ích, giúp phụ nữ chủ động thời gian, số lượng con sinh ra và khoảng cách sinh, tránh được những tai biến sản khoa cũng như không bị mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục (lậu, giang mai, sùi mào gà...). Ngoài ra, thực hiện các BPTT còn giúp mỗi gia đình có đủ 2 con để chăm sóc, nuôi dạy cho tốt và cũng có nhiều thời gian làm kinh tế, nâng cao đời sống cho gia đình. Từ đó, cũng giúp chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản.
Áp dụng các biện pháp tránh thai để thực hiện tốt KHHGĐ và duy trì mức sinh thay thế.
Tích cực cung ứng các phương tiện tránh thai hiện đại
Ở nước ta, trước năm 1993, việc cung cấp các BPTT chỉ được triển khai qua các cơ sở y tế nhà nước nhưng hiện nay đã triển khai qua 3 kênh chủ yếu bao gồm kênh dịch vụ lâm sàng (thực hiện BPTT qua các cơ sở y tế công lập và các cơ sở y tế tư nhân), kênh phân phối dựa vào cộng đồng (thông qua mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ tại thôn bản cung cấp bao cao su và viên uống tránh thai), kênh tiếp thị xã hội, xã hội hóa và thị trường tự do. Tuy nhiên, trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta vẫn tiếp tục gia tăng và đạt cực đại vào năm 2027 - 2028. Do vậy, nhu cầu các BPTT, nhu cầu KHHGĐ vẫn gia tăng trong thời gian tới. Đặc biệt vị thành niên, thanh niên cần được quan tâm hơn bởi họ là những đối tượng phải chịu nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục do thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Chính vì vậy, trong thời gian tới, công tác dân số cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hóa dịch vụ và phương tiện tránh thai, đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư khác nhau; dần dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ giữa các vùng địa lý khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.