Tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc làm nguồn lực quan trọng phát triển du lịch Lai Châu

25-11-2024 10:59 | Thời sự
google news

Giá trị văn hóa của các dân tộc là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng tại tỉnh Lai Châu.

Hội nghị Quảng bá, xúc tiến du lịch Lai Châu tại thành phố Đà Nẵng vừa được tổ chức chiều 22/11 trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại Đà Nẵng năm 2024.

Tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc làm nguồn lực quan trọng phát triển du lịch Lai Châu- Ảnh 1.

Các di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu được bảo tồn như lễ hội, nghề thủ công truyền thống

Sự kiện nhằm giới thiệu về tiềm năng phát triển, các sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ hội đầu tư kinh doanh tại tỉnh Lai Châu; tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch trao đổi thông tin, xây dựng mối liên kết, hợp tác trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Lai Châu sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhiều tiềm năng phát triển

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết: "Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng là vùng đất chứa đựng nhiều giá trị hấp dẫn về du lịch. Đáng chú ý, Lai Châu có quần thể trà cổ thụ và quần thể hoa đỗ quyên lớn nhất Việt Nam. Với thiên nhiên hùng vĩ, và văn hóa các dân tộc đa dạng sắc màu…, Lai Châu có nhiều sản phẩm du lịch tiềm năng nhưng vẫn còn nguyên sơ, chưa được khai thác".

Tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc làm nguồn lực quan trọng phát triển du lịch Lai Châu- Ảnh 2.

Văn hóa các dân tộc ở Lai Châu rất đa dạng, là nét chấm phá đặc sắc làm nên bản sắc riêng của Lai Châu

Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, là một tỉnh biên giới phía Bắc, Lai Châu sở hữu 2 nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, đó là tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn, nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và thể thao mạo hiểm. Song hiện tại, Lai Châu vẫn còn ít sản phẩm, ít thông tin trên bản đồ du lịch Việt Nam.

"Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, coi giá trị văn hóa của các dân tộc là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng", ông Kháng nhấn mạnh.

Bởi thế, thời gian qua, tỉnh Lai Châu chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc, tổ chức khá nhiều sự kiện văn hoá đậm đà bản sắc truyền thống các dân tộc thiểu số tại địa phương. Tiêu biểu như Sự kiện Tết Độc lập và Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên năm 2024 với các hoạt động như: Giải đua thuyền đuôi én; thi đấu các môn thể thao dân tộc (Tù lu, Đẩy gậy, Bắn nỏ, Kéo co….); Hội thi ẩm thực truyền thống các dân tộc; Lễ buộc chỉ cổ tay; Thi giã và làm bánh dày…Nhờ đó đã góp phần đem lại những kết quả ấn tượng trong lĩnh vực du lịch.

Lai Châu chú trọng bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp

Bà Đặng Thị Loan - Trưởng Phòng Quản lý du lịch - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch.

Trong đó tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng tại 5 điểm du lịch có thế mạnh gồm: bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo, Bản Thẳm, bản Sì Thâu Chải và bản San Thàng.

Tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc làm nguồn lực quan trọng phát triển du lịch Lai Châu- Ảnh 3.

Lai Châu ghi dấu trong lòng du khách bởi sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa.

Đặc biệt, năm 2023 bản Sin Suối Hồ nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3 và đang đề xuất ứng viên nhận giải thưởng "Làng du lịch tốt nhất" lần thứ 4 của UN Tourism. Từ đó, tạo điểm nhấn khác biệt của Lai Châu trên tuyến du lịch "Vòng cung Tây Bắc".

Cùng với đó, tỉnh Lai Châu cũng đã khai thác hiệu quả sản phẩm chợ phiên vùng cao gồm: chợ phiên/chợ đêm San Thàng (TP. Lai Châu), chợ phiên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ), chợ phiên Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), chợ phiên Tà Mung (huyện Than Uyên), với điểm nhấn là sắc màu trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực và sản vật địa phương.

Mặt khác, tỉnh Lai Châu đang tiếp tục phát triển hoàn thiện các sản phẩm du lịch sinh thái với phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và sản phẩm nông nghiệp địa phương với các điểm nhấn nổi bật như: Khu du lịch sinh thái cầu kính Rồng Mây; Khu du lịch sinh thái Đèo Hoàng Liên Sơn (Ô Quy Hồ); Làng cá Thẩm Phé (Than Uyên)…

Các cơ quan hữu quan mạnh dạn xây dựng cả sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm (dù lượn) và các tour khám phá, chinh phục các đỉnh núi cao như: đỉnh Pusilung (cao 3.083 m); đỉnh Putaleng (cao 3.049m), đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (cao 3.046 m), đỉnh Tả Liên Sơn (cao 2.993m).

Ngoài ra, tỉnh Lai Châu còn tiếp tục đầu tư, nâng cấp và đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch tiềm năng mới như: Du lịch tại lòng hồ thủy điện (Bản Chát, Huổi Quảng, Vịnh Pá Khôm); Trò chơi "Đu dây qua hồ" tại xã Pa Mu (Than Uyên); Phố đi bộ đường 15/10 (Than Uyên); Phố đi bộ Hoàng Diệu (TP. Lai Châu), Đồi chè thị trấn Tân Uyên, Thiên đường nghỉ dưỡng/Homestay Tan Uyen Paradise… nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm liên hoàn tăng giá trị trải nghiệm cho du khách.

Toàn tỉnh hiện có 16 điểm du lịch được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó có 11 điểm du lịch cộng đồng. Hy vọng, trong thời gian tới, với những chính sách, chiến lược trên, du lịch Lai Châu ngày càng mở rộng, thu hút ngày càng nhiều các du khách trong và ngoài nước.

PV


Ý kiến của bạn