Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội 2018

26-12-2017 16:31 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu các địa phương phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm...

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm vừa ký chỉ thị số 09/CT- BCĐTWVSATTP về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018.

Theo đó, tại Chỉ thị này, Ban Chỉ đạo nêu rõ, để bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhân dân đón Tết, vui Xuân, đồng thời góp phần bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm và an sinh xã hội, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ thị Ban chỉ đạo liên ngành các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018.

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở, trang thiết bị, vệ sinh cá nhân người sản xuất, chế biến thực phẩm; quy định nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm; vệ sinh ăn uống; lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn; phòng, chống ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn, lạm dụng rượu.

Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và Lễ hội 2018 cần phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm như: Các chợ, trung tâm thương mại đầu mối; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tập trung trên địa bàn. Kết hợp lấy mẫu thực phẩm, ưu tiên xét nghiệm sớm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cửa khẩu, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu thực phẩm qua biên giới.

Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, các địa phương công khai các cơ sở vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm để cảnh báo cho cộng đồng, đồng thời biểu dương và công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất, đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn để chủ động cấp cứu và điều trị, điều tra, xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn. Tổ chức trực chuyên môn 24/24 giờ trong những ngày nghỉ trong dịp Tết và Lễ hội.


Thái Bình
Ý kiến của bạn