Hà Nội

Tăng cholesterol, khi nào cần điều trị?

13-04-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Tháng 10 vừa qua em có đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Kết quả thử máu bị cholesterol nhưng chưa cao. Bác sĩ nói chưa cần uống thuốc, chỉ cần kiêng bớt chất béo.

Tháng 10 vừa qua em có đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Kết quả thử máu bị cholesterol nhưng chưa cao. Bác sĩ nói chưa cần uống thuốc, chỉ cần kiêng bớt chất béo. Em sinh năm 1974 nhưng mỗi khi em ăn trứng là người sây sẩm, khó thở, người mệt, choáng váng. Xin bác sĩ cho biết em đang bị gì ạ? Em phải làm sao để có sức khỏe tốt. Khi nào cần điều trị tăng cholesterol?

Hoàng Thị Bích Phương (Gò Vấp - TP. Hồ Chí Minh)

Thư em nói kết quả thử máu bị tăng cholesterol nhưng chưa cao, có lẽ chỉ số đo cholesterol toàn phần có tăng nhưng tăng nhẹ. Tuy nhiên, cần hiểu về cholesterol  trong máu (COL - huyết) có 2 loại: LDL - Low Density Lipoprotein: Lipoprotein tỷ trọng thấp) và HDL - High Densty Lipoprotein: Poliprotein tỷ trong cao). Bình thường COL toàn phần (giới hạn là 130-180mg% hoặc 5,2-5,6g/l tùy đơn vị đo của từng phòng xét nghiệm). Nếu trong máu ta đo thấy LDL- huyết tăng là “dở” và COL gắn trong LDL được gọi là COL “xấu”. Còn COL gắn trong HDL được gọi là COL “tốt” nên nếu đo thấy HDL tăng là tốt. Trong máu còn lưu ý chỉ số triglycerid nếu tăng là không tốt, vì đây là những yếu tố gây xơ vữa động mạch. Chỉ số xét nghiệm cholesterol và triglycerid là để báo động cho cho mỗi người cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt sao cho khoa học để phòng bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa mỡ máu (đây là nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch nếu ta không biết điều chỉnh mà để nó tăng quá mức). Nói như thế để bạn hiểu vì sao bác sĩ khuyên bạn chưa cần uống thuốc là đúng nhưng cần thực hiện chế độ ăn giảm chất béo và tăng cường luyện tập để điều chỉnh mức COL - xấu và tăng mức COL - tốt sẽ có lợi cho sức khỏe. Vấn đề thứ 2 mà trong thư bạn nói: mỗi khi ăn trứng là bị sây sẩm, khó thở, choáng váng... đó là bạn dị ứng với protein của trứng, vậy tốt nhất bạn không nên ăn trứng mà nên thay bằng các thực phẩm khác như các loại thịt, cua, cá, các loại hạt... đều rất giàu protein. Hiện tại, theo thư bạn viết thì ngoài dị ứng với trứng bạn không có bệnh gì cả. Tuy nhiên, để có sức khỏe tốt, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý thì bạn cần có thời gian biểu cho lao động, nghỉ ngơi và tập luyện thể dục thể thao đều đặn nữa. Ngoài ra, thư giãn, giảm stress là yếu tố rất quan trọng và nhớ khám sức khỏe định kỳ 1 - 2 năm/lần.

BS. Vũ Ngọc Anh

 

 


Ý kiến của bạn