Mỡ máu bao gồm nhiều thành phần nhưng có 2 thành phần chủ yếu là cholesterol và triglycerit. Rối loạn mỡ máu là sự thay đổi về chỉ số cholesterol và triglycerit.
Cholesterol và triglycerit là chất gì?
Cholesterol là một chất béo, mềm, bóng như sáp, tìm thấy ở các loại mỡ trong máu có tên là steroid. Chúng có ở màng tế bào của tất cả các mô tổ chức trong cơ thể và được vận chuyển trong huyết tương của con người. Phần lớn cholesterol được gan tổng hợp nên từ các chất béo bão hòa; một phần nhỏ cholesterol được hấp thu từ thức ăn như lòng đỏ trứng, sữa nguyên chất, não, thịt đỏ, mỡ động vật, lòng lợn, lòng bò, tôm... Các loại trái cây, rau cải, đậu, hạt không có cholesterol.
Còn triglycerit là gì? Chúng ta có thể hiểu một cách ngắn gọn là khi chất acid béo loại tự do được hấp thu qua gan sẽ được chuyển thành cholesterol, nếu lượng acid béo bị dư thừa thì sẽ trở thành triglycerit. Tại gan chất triglycerit sẽ kết hợp với chất apoprotein (chất này do gan sản xuất ra) và được đưa ra khỏi gan dưới dạng lipoprotein (chất này có tỉ trọng thấp và dễ tan trong nước nên dễ dàng lưu thông trong máu). Khi có sự mất cân bằng giữa lipid vào gan và lipid ra khỏi gan thì mỡ sẽ tích lại trong gan gây nên gan nhiễm mỡ. Và người ta cũng thấy rằng khi gan bị nhiễm mỡ thì sẽ hạn chế chức năng sản xuất ra chất apoprotein làm cho lượng acid béo vào gan quá lớn càng làm cho gan nhiễm mỡ nặng hơn. Người ta cũng thấy rằng nếu tăng quá cao triglycerit trong máu thì sẽ có nguy cơ gây viêm tụy cấp tính.
Ăn tỏi hàng ngày có tác dụng làm giảm mỡ máu
Thế nào là rối loạn mỡ máu?
Trong các chất sau đây khi chúng không nằm trong chỉ số giới hạn bình thường thì được gọi là bị rối loạn. Đó là tăng cholesterol máu (bình thường cholesterol máu <5,2mmol/lít). Cholesterol gồm các chất HDL-C (high density lipoprotein-cholesterol: cholesterol có tỉ trọng cao) là loại cholesterol tốt, có tác dụng bảo vệ thành mạch máu, còn chất LDL-C (low density lipoprotein cholesterol: cholesterol có tỉ trọng thấp) là loại cholesterol xấu có khả năng làm xơ vữa động mạch.
LDL-C trong máu người bình thường < 3,4mmol/lít nhưng khi có quá nhiều LDL-C bị đưa vào các màng của thành động mạch và sẽ kết hợp với các chất khác trong màng của thành động mạch tạo thành những mảng xơ vữa làm cho thành động mạch không được trơn tru, lòng động mạch bị hẹp dần dần và những mảng này cũng rất có thể bị rạn nứt, bong ra. Khi dòng máu đi qua những chỗ bị xơ vữa này thì dòng máu dễ bị dễ đông lại thành cục máu đông. Các cục máu đông có thể gây nên tắc, nghẽn động mạch. Nếu tắc nghẽn động mạch xảy ra ở động mạch vành tim, kết quả là bị nhồi máu cơ tim.
Khi cục máu đông trôi theo dòng máu và sẽ mắc kẹt ở những động mạch có đường kính lòng động mạch nhỏ như động mạch não thì sẽ gây gây tắc mạch (tai biến mạch máu não). Hầu hết các trường hợp bị xơ vữa động mạch sẽ gây tăng huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não, thiểu năng mạch vành. Khi chỉ số HDL-C tăng cao thì có tác dụng ngược lại, tức là làm cho thành động mạch được bảo vệ tốt hơn. Khi triglycerit máu trên 2,26 mmol/l được gọi là triglycerit cao. Còn khi tăng cả cholesterol và triglycerit thì được gọi là tăng mỡ máu hỗn hợp.
Một số nguyên nhân
Rối loạn mỡ trong máu có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống cũng như chế độ sinh hoạt của mỗi một con người. Tăng mỡ máu là một chứng bệnh gặp khá phổ biến ở người trưởng thành, nhất là người cao tuổi. Tác hại của tăng mỡ máu là rất đáng được quan tâm vì nó gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người. Hay gặp nhất trong trong tăng cholesterol máu là do rối loạn chuyển hóa hoặc do chế ăn không hợp lý như ăn nhiều mỡ động vật, phủ tạng động vật, trứng (nhất là lòng đỏ trứng), sữa toàn phần, bơ, thịt đỏ, lòng động vật… trong các bữa ăn hàng ngày. Rối loạn mỡ máu cũng có thể gặp ở người béo phì hoặc do di truyền hoặc mắc một số bệnh về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường. Còn tăng triglycerit hay gặp nhất là do uống quá nhiều rượu, béo phì, di truyền, lười vận động hoặc rối loạn gen chuyển hóa và di truyền…
Biện pháp ngăn chặn
Việc điều trị, để làm giảm mỡ máu là cần thiết nhưng người bệnh không tự mua thuốc điều trị bởi vì có những loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng của gan... Khi bác sĩ thấy bệnh chưa đến mức dùng thuốc tây y để điều trị thì sẽ có thể ăn tỏi hoặc uống viên tỏi hàng ngày (dùng loại tỏi ta mới có tác dụng tốt).
Về chế độ ăn cũng cần được quan tâm đúng mức như hạn chế ăn mỡ động vật, thay mỡ bằng dầu thực vật trong các bữa ăn hàng ngày. Không nên ăn nhiều các loại lòng động vật mà nên ăn nhiều cá, mỗi tuần nên ăn 2 - 3 lần ăn cá thay thịt. Cần tăng cường ăn rau, hoa quả, các loại rau có nhiều chất xơ.
Không nên uống quá nhiều rượu, bia hàng ngày, đặc biệt không để nghiện rượu, bia. Không nên ăn quá nhiều tinh bột. Sau mỗi một bữa ăn nên có hoa quả để ăn tráng miệng như cam, bưởi, táo, nho… Tăng cường tập thể dục đều đặn hoặc chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, cầu lông, bơi… Hạn chế tăng cân, béo phì bằng cách năng vận động, tránh ăn ngọt như bánh, kẹo, đường, sô cô la. Ăn uống hợp lý và tập thể dục đều đặn có thể hạn chế sự rối loạn mỡ máu một cách đáng kể. Khi đã bị tăng mỡ máu thì càng nên đi khám bệnh định kỳ để được chỉ định xét nghiệm mỡ máu và phải dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.
PGS.TS. BÙI MAI HƯƠNG