Cholesterol có vai trò quan trọng trong cơ thể: Là nguyên liệu cho quá trình sản xuất các mô tế bào; hỗ trợ quá trình sản xuất hormone và vitamin D; hỗ trợ quá trình bài tiết mật trong gan. Có hai loại cholesterol: Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL).
Cholesterol LDL được coi là “xấu” vì nó có khả năng bám vào thành trong của động mạch, tích tụ, cản trở lưu lượng máu và góp phần phát triển chứng xơ vữa động mạch - nguyên nhân chính gây ra các cơn đau tim.
Cholesterol HDL không gây tích tụ, trái lại, nó thu thập chất béo dư thừa, chuyển đến gan để phân hủy và bài tiết qua nước tiểu.
Theo các chuyên gia, mức cholesterol cao có thể xảy ra do bệnh lý tiềm ẩn. Một trong những rối loạn chính góp phần vào vấn đề này là sự thiếu hoạt động của tuyến giáp. Do suy giáp, tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone thyroxine cần thiết. Việc giảm sản xuất này có thể làm tăng lượng cholesterol trong máu.
Theo các nhà khoa học, tuyến giáp có thể được coi là một bộ điều chỉnh chính của cơ thể. Trong số các chức năng của hormon tuyến giáp, có chức năng điều chỉnh quá trình chuyển hóa lipid bao gồm cholesterol bằng cách kích thích sự di chuyển và phá vỡ các lipid máu và hỗ trợ quá trình tổng hợp axit béo trong gan. Suy giáp có nghĩa là tuyến giáp hoạt động kém có thể chi phối mức cholesterol của cơ thể. Đối với một số người, việc quản lý các rối loạn của tuyến giáp có thể là chìa khóa để kiểm soát lipid bất thường trong cơ thể.
Các chuyên gia khuyến cáo, bất cứ ai có chẩn đoán mới về tăng lipid máu nên được kiểm tra bệnh suy giáp trước khi dùng thuốc hạ lipid máu. Để giảm cholesterol trong máu cao - bất kể nó có liên quan đến các vấn đề về tuyến giáp hay không - bạn cần tập thể dục. Cố gắng đi bộ ít nhất nửa giờ mỗi ngày, tốt nhất là với tốc độ nhanh.