Bé phát triển chiều cao khi còn là bào thai
Mỗi bà mẹ cần biết sự phát triển chiều dài của trẻ rất sớm - ngay từ những tuần đầu của bào thai. Chiều dài thai nhi đạt cao nhất vào giai đoạn trước tuần thứ 15 của thai kỳ, trong đó cân nặng của bào thai đạt cao nhất vào tuần thứ 32 đến tuần 34 của thai kỳ. Chiều dài của thai nhi có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chiều cao đỉnh điểm có thể đạt tới lúc trưởng thành.
Những giai đoạn phát triển chiều cao
Sau khi ra đời, trong năm đầu tiên, chiều cao của trẻ phát triển rất nhanh, khi bé 1 tuổi, chiều cao gấp rưỡi lúc mới sinh. Trong năm đầu, trẻ tăng trung bình 25cm (chiều cao trung bình 75cm), năm thứ 2 tăng 10cm (trung bình 85 - 86cm). Sau đó cho đến 10 tuổi, mỗi năm tăng 5cm. Khi đến thời kỳ tiền dậy thì thì trẻ lớn rất nhanh, trung bình trẻ nữ tăng 6cm/năm (9 - 11 tuổi), trẻ nam tăng 7cm/năm (12 - 14 tuổi). Khi đến tuổi dậy thì (12 - 13 tuổi đối với nữ, 15 - 16 tuổi đối với nam) thì sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2cm. Giai đoạn tiếp theo cho đến 25 tuổi thì sức lớn rất chậm, chỉ tăng 1 - 2cm hoặc hầu như không tăng. Cơ thể con người hết tuổi lớn với nữ khoảng 23 tuổi, nam 25 tuổi.
Những yếu tố ảnh hưởng phát triển chiều cao
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao, nhưng có 3 yếu tố chính là:
Yếu tố dinh dưỡng:
Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng trong phát triển chiều cao, trong đó phải kể đến vai trò của các chất dinh dưỡng như:
Chất đạm (protein): chất đạm đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc cơ thể, đặc biệt là các chất đạm động vật với đầy đủ các axit amin cần thiết.
Chất béo (lipid): rất quan trọng trong sự phát triển các xương dài của trẻ khi còn nhỏ, đồng thời chất béo còn giúp tăng cường hấp thu các vitamin tan trong dầu (vitamin A...) giúp hệ xương phát triển tốt.
Canxi: canxi là chất dinh dưỡng chính tham gia vào cấu trúc hệ xương. Thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến sức lớn và sự vững chắc của xương.
Vi chất dinh dưỡng: các nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của vi chất dinh dưỡng (vitamin A, D, chất kẽm, sắt, iốt...) đến phát triển chiều cao và suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ.
Yếu tố môi trường - xã hội: yếu tố môi trường và xã hội cũng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể lực ở trẻ em, đặc biệt là chiều cao. Ở những điều kiện kinh tế, xã hội kém phát triển, môi trường thiếu vệ sinh, không đủ nước sạch, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng chăm sóc kém dẫn đến nhiều trẻ có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Luyện tập thể dục thể thao: Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao tác dụng tốt tới sự phát triển thể lực và làm cho hệ cơ xương vững chắc, khỏe mạnh.