Tăng chiều cao cho con –mẹ cần tránh những sai lầm sau

07-04-2016 10:18 |
google news

SKĐS - Trong quá trình tăng chiều cao cho con, nhiều bà mẹ chỉ chú ý đến chỉ số chiều cao bên ngoài của bé mà không hề biết chất lượng xương bên trong có thực sự chắc khỏe, dẻo dai hay không.

Quá trình tăng trưởng chiều cao ở trẻ chỉ thực sự đạt chất lượng khi khung xương của bé phát triển chắc khỏe, dẻo dai. Nhiều bà mẹ cho rằng chỉ cần con đạt được chỉ số chiều cao vượt trội là quá trình giúp bé tăng chiều cao đã thành công. Suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm vì giống như ngôi nhà nếu chỉ cao mà nền móng, trụ cột không chắc sẽ rất dễ sụp đổ, bé có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe nếu xương không chắc khỏe.

Chưa hiểu đúng tầm quan trọng của khung xương

Nhiều bà mẹ cho rằng khung xương chỉ có vai trò duy nhất là tạo nên chiều cao và vóc dáng cho cơ thể. Tuy nhiên trên thực tế, khung xương còn có rất nhiều vai trò quan trọng khác với sức khỏe, khả năng vận động và trao đổi chất của cơ thể.

Xương giúp tạo hình và nâng đỡ cơ thể

Bộ xương người bao gồm 300 chiếc xương ở trẻ em và 206 xương ở người trưởng thành, chia làm ba phần là xương đầu, xương thân và xương chi. Các xương liên kết với nhau tạo thành khung cứng và điểm tựa để nâng đỡ toàn bộ cơ thể, tạo nên vóc dáng và giúp con người có tư thế đứng thẳng.

Ở trẻ em, sự phát triển xương chia thành nhiều giai đoạn. Trẻ mới sinh có cột sống thẳng. Khi được 5 - 6 tháng tuổi, cột sống dần cong về phía trước, giúp trẻ biết ngẩng đầu. Từ 7 – 9 tháng, cột sống ở phần ngực dần cong về phía sau, giúp trẻ biết ngồi. Từ 1 tuổi trở đi, cột sống có thêm một đoạn cong về phía trước ở vùng thắt lưng, khi đó trẻ mới có thể đứng thẳng và biết đi. Nếu trong quá trình này mà hệ xương khớp gặp trục trặc về cấu trúc hoặc kém bền vững do thiếu dưỡng chất thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình phát triển tự nhiên của trẻ.

Xương giúp bảo vệ cơ thể và nội tạng

Xương có hai đặc tính cơ bản: mềm dẻo và bền chắc. Nhờ tính bền chắc mà xương có thể nâng đỡ cơ thể, và nhờ tính mềm dẻo nên xương có thể chống lại các lực cơ học, bảo vệ các cơ quan nội tạng khỏi bị tổn thương: hộp sọ bảo vệ não, cột sống bảo vệ tủy sống, lồng ngực bảo vệ tim, phổi...

Yếu tố quyết định tính mềm dẻo của xương là cốt giao, có tỉ lệ thay đổi tùy theo lứa tuổi. Trong xương người trưởng thành, cốt giao chiếm 1/3 còn các muối Canxi chiếm 2/3. Ở trẻ em, cốt giao lại chiếm tỉ lệ cao hơn so với muối Canxi, vì vậy xương trẻ em mềm dẻo hơn xương người lớn, dẫn tới khả năng bảo vệ cơ thể và nội tạng cũng kém hơn. Nếu trẻ không được bổ sung đủ lượng muối Canxi thì khung xương sẽ càng kém rắn chắc, trẻ dễ gẫy xương và bị thương nặng hơn khi té ngã, va đập.

Xương giúp cơ thể vận động

Cơ thể vận động được là nhờ có xương, khớp, cơ, trong đó xương là đòn bẩy, khớp là điểm tựa, cơ là lực phát động, giúp đảm bảo mọi hoạt động của con người như di chuyển, cầm nắm... Các vận động viên thể dục, điền kinh hay bơi lội đều có sải tay và chiều dài chân lớn hơn người bình thường, bởi những ưu thế từ khung xương dài, chắc khỏe sẽ giúp họ có hệ vận động tốt và thành tích cao hơn.

Trẻ sơ sinh có xương tay và chân ngắn, chỉ bằng 1/3 chiều dài cơ thể. Trong thời kỳ niên thiếu và dậy thì, xương chân và tay phát triển rất nhanh, đến tuổi trưởng thành xương chân dài bằng 50%, xương tay bằng 40% chiều dài cơ thể. Nếu trong quá trình phát triển, đặc biệt là tiền dậy thì và dậy thì, trẻ bị thiếu hụt những dưỡng chất cần cho sự tăng trưởng của xương, hoặc mắc các bệnh viêm khớp, cong vẹo cột sống, loãng xương sớm… thì sẽ ảnh hưởng tới không chỉ vóc dáng, chiều cao mà cả chức năng vận động.

Xương giúp tạo máu và trao đổi chất

Tủy xương nằm trong ống tủy là nơi sản sinh ra hồng cầu và các dạng bạch cầu có hạt, giúp tạo máu đi nuôi cơ thể. Xương cũng là nơi dự trữ các chất mỡ và muối khoáng, đặc biệt là 99% muối Canxi của toàn bộ cơ thể. Xương vận động làm điều hòa các chất này, hỗ trợ quá trình trao đổi chất.

Khi khung xương khỏe mạnh, cơ thể sẽ có đủ khả năng miễn dịch để phòng chống bệnh tật, trẻ sẽ cứng cáp, nhanh nhẹn và khi trưởng thành sẽ được gia tăng tuổi thọ.

Chỉ chú ý tới chiều cao, thiếu quan tâm tới “sức khỏe” của xương

Như đã phân tích ở trên, sự phát triển hoàn thiện và chắc khỏe của xương vô cùng quan trọng. Xương sẽ phát triển cho đến năm 25 tuổi, có 3 giai đoạn xương phát triển mạnh nhất là: bào thai, 2 năm đầu đời và giai đoạn dậy thì.


Khung xương chắc khỏe, bền vững mới có thể giúp trẻ phát triển toàn diện.

Nếu xương không được chăm sóc đúng cách và bổ sung đầy đủ những dưỡng chất thiết yếu như Canxi, Vitamin D3, MK7, trẻ sẽ không đạt được chiều cao tối ưu và còn có thể mắc những chứng bệnh khác như chân vòng kiềng, thiếu máu (do xương kém phát triển khiến tủy xương chậm trễ trong chức năng tạo máu), cơ bắp bị nhão, bụng ỏng do thành bụng yếu…

Để xương phát triển hoàn thiện, cần phải chú ý đến khối lượng và mật độ của xương. Nếu khối lượng và mật độ xương không phát triển bình thường, bé rất dễ bị loãng xương, dễ gãy xương, răng dễ lung lay…

Như vậy, quá trình phát triển khung xương của bé cũng giống như việc xây dựng một ngôi nhà, nếu nền móng không vững chắc và thiếu các trụ cột thì sẽ không thể bền vững và xây lên cao được. Cha mẹ hãy là người đặt nền móng cho con phát triển bền vững và có được chiều cao tối ưu nhờ bổ sung dinh dưỡng hợp lý và quan tâm đúng cách đến “sức khỏe” của xương.


Ý kiến của bạn