Chiều 25-6, trước việc người dân lo lắng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở TP.HCM, BV Chợ Rẫy đã có buổi thông tin cho báo chí về tình hình này.
TS-BS Lê Quốc Hùng, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, cho biết chỉ hơn ba tuần qua (từ ngày 1 đến 24-6), BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận 111 trường hợp, trong đó có đến 80 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn (hiện chưa thống kê được số liệu cụ thể ở TP.HCM - PV), một trường hợp bị rắn biển cắn. Đây là tình hình khá đặc biệt. Theo TS-BS Hùng, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận 800-1.000 trường hợp bị rắn cắn, tập trung là vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 8, tháng cao điểm có đến 200 ca…
Thai phụ bị nạn
Ngày 25-6, tại khoa Bệnh nhiệt đới có đến 15 bệnh nhân điều trị do rắn cắn, trong đó có chín ca là do rắn lục đuôi đỏ. Có một ca đặc biệt là thai phụ bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Đó là thai phụ TTH đang mang thai tháng thứ ba. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vết cắn sưng to, biểu hiện rối loạn đông máu. Ngay sau đó bệnh nhân được truyền huyết thanh kháng nọc rắn, một ngày sau vết cắn đã bớt sưng, sức khỏe bệnh nhân ổn định. “Chúng tôi sẽ siêu âm để đánh giá lại tình trạng thai nhi. Khó khăn nhất là vừa điều trị cho mẹ, vừa điều trị cho con” - TS-BS Hùng cho biết.
Tại phòng 13 của khoa Bệnh nhiệt đới, anh Nguyễn Doãn Khang (Dĩ An, Bình Dương) kể: Ngày 22-6, anh ra vườn nhà dọn dẹp thì bất ngờ con rắn lục đuôi đỏ trong bụi cây thò ra cắn trúng đầu. Ngay lập tức anh đã dùng xà phòng rửa vết thương và đến bệnh viện gần nhà, sau đó nơi này chuyển anh lên BV Chợ Rẫy. “Xung quanh nhà tôi có nhiều rắn lục đuôi đỏ lắm, cũng có mấy người bị cắn nên tôi cũng ít nhiều biết được cách sơ cứu ban đầu là không cột chỗ bị cắn mà chỉ rửa sạch bằng xà phòng và đi ngay đến bệnh viện” - anh Khang nói.
Cũng trong ngày 25-6, anh Mai Văn Thiện (27 tuổi, Tánh Linh, Bình Thuận) đã được khoa Bệnh nhiệt đới cho xuất viện sau khi chữa khỏi bệnh. Theo lời anh Thiện, lúc 2 giờ sáng 22-6, anh không mang ủng cao su mà chỉ mang dép nhựa… đi cạo mủ cao su. Đang cạo thì anh bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào gót chân. Thấy đau, sưng, anh sợ nên quyết định đến bệnh viện...
Nhiều khuyến cáo phòng, tránh
“10 năm điều trị rắn cắn, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm. Do vậy, chúng tôi đã chủ động chuẩn bị thuốc men, huyết thanh kháng nọc, trang thiết bị nên đa số ca nhập viện vào đều được cứu sống, trừ những ca đến quá trễ. Hiện BV Chợ Rẫy có huyết thanh đơn giá, đa giá kháng nọc độc rắn chàm quạp, lục tre, hổ chúa, hổ đất” - TS-BS Hùng nói.
TS-BS Hùng cho rằng người dân và tuyến y tế dưới thường mắc hai lỗi khi bị rắn cắn. Thứ nhất là garo (cột) trên nơi bị cắn vì nghĩ rằng nọc độc sẽ không đi vào cơ thể. Tuy nhiên, điều này phải do người có chuyên môn thực hiện mới đảm bảo rằng vùng phía trước bị cột không bị hoại tử do cột quá chặt. Nếu bị hoại tử việc điều trị sẽ khó khăn hơn do bác sĩ vừa điều trị rắn cắn, vừa điều trị hoại tử. Lỗi thứ hai là khi bị rắn cắn lại đi đến thầy lang rạch vùng da bị cắn để nặn máu do nghĩ rằng sẽ lấy ra được nọc độc. Bên cạnh rạch, lể là đắp lá thuốc, hiệu quả chưa được đánh giá nhưng hậu quả nặng nề là bệnh nhân bị rối loạn đông máu, chảy máu không cầm. Việc đắp thuốc cũng gây nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng toàn thân, tiếp đến là nhiễm trùng huyết và tử vong.
“Các giải pháp tránh bị rắn cắn là những công nhân, nông dân làm rẫy, làm vườn cao su, vườn điều… thì nên mang đồ bảo hộ lao động. Tránh săn bắt và nuôi rắn độc trong nhà; tránh làm, biểu diễn rắn độc. Giáo dục cho trẻ em ý thức phòng rắn cắn… Khi bị rắn cắn thì phải trấn an tinh thần người bị nạn, rửa chỗ bị cắn bằng nước sạch, giữ nguyên hiện trạng vết thương và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý đúng. Sáu giờ đầu để cứu bệnh nhân là rất quan trọng” - TS-BS Hùng khuyến cáo.
Quận 12 báo cáo tình hình rắn lục đuôi đỏ
Ngày 25-6, ông Bùi Văn Quí, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 12 (TP.HCM), cho biết vừa có báo cáo gửi Sở Y tế về tình hình kiểm tra ban đầu về việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều trong thời gian qua trên địa bàn quận.
Theo đó, trung tâm y tế đã liên hệ các phường để nắm lại tình hình là khu vực nào thường xuyên xuất hiện nhiều. Tuy nhiên, qua thông tin sơ bộ thì rắn chỉ xuất hiện rải rác tại một số nơi và tần suất không nhiều. Đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận chính thức nguyên nhân vì sao rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều như người dân phản ánh thời gian qua.
Trao đổi với PV, bà Hồ Thị Thanh Nhã, Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc (quận 12) - nơi người dân phản ánh có nhiều rắn lục đuôi đỏ, cho biết khu phố B3 là nơi xuất hiện nhiều rắn. Tuy nhiên, người dân báo lên phường thì chỉ rải rác một, hai con. Phường cũng đã hướng dẫn người dân cách sơ cứu khi bị rắn cắn và yêu cầu người dân phát quang xung quanh nhà tránh tạo môi trường sống cho rắn. Bà Nhã cho biết thêm là người dân nên yên tâm, không quá hoang mang trước các thông tin là rắn xuất hiện nhiều bởi hiện địa phương đang xử lý.
MINH QUÝ
Rắn lục đuôi đỏ cắn có thể gây chết trong vài giờ
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, một người khi bị rắn cắn sẽ xảy ra hai vấn đề. Thứ nhất là biểu hiện lo sợ, vã mồ hôi, tim đập nhanh, mệt mỏi, khó thở. Thứ hai, nọc rắn thâm nhập vào cơ thể, sưng đau tại chỗ bị cắn và tùy theo loại rắn có những biểu hiện khác nhau. Thí dụ, rắn lục đuôi đỏ cắn thì có hai dấu móc đỏ (răng nanh) trên da và theo thời gian sẽ sưng lên, rối loạn đông máu, xuất huyết tại chỗ, xuất huyết răng, chảy máu cam, xuất huyết nội tạng, não và tử vong; một phản ứng khác là sốc phản vệ của cơ thể với nọc rắn, bệnh nhân có thể chết trong vòng vài giờ sau khi bị cắn.