Tăng cân có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe như máu nhiễm mỡ, tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về tim mạch và đặc biệt có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Phụ nữ U40, U50 thường có xu hướng ngày càng béo lên. Cùng với những thay đổi về sức khỏe và tinh thần khi bước vào tuổi mãn kinh, hầu hết phụ nữ đều thay đổi về vóc dáng. Bên cạnh nguyên nhân chính là sự suy giảm nội tiết tố oestrogen và khối lượng cơ giảm,... thì còn một số nguyên nhân khác gây tăng cân nhanh chóng mà bạn không biết. Đâu phải chỉ có chế độ ăn uống khiến bạn tăng cân.
Tăng cân do mất ngủ
Việc mất ngủ không những ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn mà còn chính là “thủ phạm” hàng đầu khiến bạn tăng cân. Khi bạn bị mất ngủ, đồng nghĩa với việc thiếu ngủ, cơ thể bạn sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, các cơ quan trong cơ thể không đảm nhiệm được chức năng vốn có của nó khiến lượng calo không tiêu hao hết sẽ tích thành mỡ. Mặt khác, nhiều người không ngủ được cho rằng nên dậy và ăn món gì đó ấm bụng sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn. Đồng nghĩa với nó là bạn cũng dễ tăng cân hơn. Do vậy nếu không muốn bị tăng cân bất thường, bạn nên được kiểm tra sức khỏe, điều trị chứng mất ngủ nhằm duy trì một giấc ngủ sâu, ngủ đủ giấc và ngủ ngon.
Mất ngủ là một trong những nguyên nhân khiến bạn tăng cân.
Tăng cân do căng thẳng - stress
Stress và béo phì là hai người bạn đồng hành trong xã hội hiện đại. Khi áp lực công việc, cuộc sống căng thẳng dễ gây stress, phụ nữ nói riêng bị căng thẳng càng dễ tăng cân do tình trạng bị stress có thể làm chậm quá trình trao đổi chất. Những người bị stress, một loại peptit được hình thành trong cơ thể, nó sẽ tạo thành các khối mỡ, nhất là ở vùng bụng. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra mức độ tương đồng giữa béo phì với những người bị stress. Với cùng một chế độ ăn giàu năng lượng, người bị stress có thể tăng gấp 2 lần trọng lượng so với những người không stress. Do vậy, khi trạng thái tiêu cực bất ổn về mặt tâm lý: căng thẳng, lo âu và trầm cảm... kéo dài, bạn phải đối mặt với việc tăng cân không mong muốn, bạn cần giải tỏa căng thẳng, cân bằng tâm lý, tâm trí an định... để duy trì cân nặng, phòng bệnh, kiểm soát tốt việc tăng cân do stress.
Tăng cân do dùng thuốc
Ít ai có thể nghĩ rằng việc dùng thuốc có thể khiến cơ thể tăng cân không kiểm soát. Nếu như bạn tăng lên khoảng 2kg so với trước khi chưa uống thuốc thì có thể việc tăng cân đột ngột này do thuốc gây nên. Đặc biệt một số loại thuốc điển hình dùng để điều trị các chứng trầm cảm, suy nhược thần kinh, tai biến, tăng huyết áp, đau đầu, bệnh đái tháo đường... hay một số liệu pháp điều trị bệnh bằng hormon, các biện pháp phòng tránh thai đều có thể làm bạn tăng cân. Các loại thuốc có tác động đến việc tăng cân nhiều - ít khác nhau, bạn có thể nói với bác sĩ để đổi loại thuốc khác chứ không tự ý thay đổi hay ngừng thuốc. Đối với các thuốc đặc trị các bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, bạn có thể áp dụng chế độ ăn uống và luyện tập thường xuyên để hỗ trợ điều trị giữ vóc dáng.
Tăng cân do mắc bệnh
Một số căn bệnh khiến bạn sụt cân nhanh chóng, nhưng ngược lại cũng có những căn bệnh làm bạn tăng cân nhanh. Ví dụ như bệnh liên quan đến sự hoạt động của tuyến giáp.
Để kích thích tuyến giáp, tuyến yên trong não có nhiệm vụ sản xuất hormon, sau khi được kích thích, tuyến giáp tiết ra các loại hormon khác để kiểm soát sự trao đổi chất. Nếu tuyến giáp thực hiện tốt chức năng của nó thì sự trao đổi chất diễn ra thuận lợi, nếu nó bị suy yếu thì có thể ảnh hưởng đến trao đổi chất trong cơ thể, ví dụ như làm rối loạn sự trao đổi chất, sự trao đổi chất diễn ra chậm hơn.
Một khi quá trình trao đổi chất bị ảnh hưởng thì khả năng đốt cháy năng lượng của cơ thể sẽ bị kém đi, lượng mỡ thừa không được đốt cháy hết sẽ tích tụ lại nhiều hơn và khiến bạn tăng cân. Vậy nên, khi thấy các triệu chứng như mệt mỏi, ngủ li bì, khản giọng, đau đầu... bạn nên đi khám xem liệu có phải mình đang mắc một căn bệnh nào đó liên quan đến tuyến giáp hay không để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tăng cân khi mãn kinh
Ngay khi còn trẻ, bạn cần phải tích cực luyện tập thể dục, thể thao để duy trì vóc dáng cân đối và nâng cao sức khỏe, việc rèn luyện sẽ giúp bạn dễ dàng vượt qua những biến động do xáo trộn nội tiết gây ra khi mãn kinh.
Quá trình tăng cân này bắt đầu trước thời kỳ mãn kinh khoảng 1-2 năm. Mỡ không phân bố đều trên cơ thể mà tập trung nhiều ở phần bụng, mông và đùi khiến cơ thể mất cân đối... Hơn nữa, tăng cân trong thời kỳ mãn kinh còn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, các bệnh về tim mạch, tăng huyết áp...
Theo thống kê, những người thời trẻ ít vận động sẽ khó điều chỉnh cân nặng khi mãn kinh và đến một tuổi nào đó cân nặng chỉ có leo thang. Do vậy tập luyện thường xuyên, kiểm soát tốt cân nặng ngay từ khi còn trẻ thì khi mãn kinh dù lượng cơ có giảm cũng không đáng ngại.