Bình thường, cân nặng của phụ nữ sẽ giảm dần theo tuổi trong khi tỷ lệ mỡ lại có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, đối với phụ nữ ở tuổi mãn kinh ngoài những rắc rối về tâm lý, huyết áp,… thì vấn đề tăng cân, tăng mỡ ở một số bộ phận cơ thể gây phiền toái và lo ngại của chị em cả về hình thể lẫn nguy cơ bệnh tật.
Vì sao phụ nữ mãn kinh dễ tăng cân?
Sau thời kỳ mãn kinh, cứ một năm, 1% cơ lại bị thay thế bằng mỡ. Do khối lượng cơ giảm nên lượng calo nạp vào cơ thể không được chuyển hóa hết sẽ tích tụ và hình thành mỡ trong cơ thể. Quá trình tăng cân này bắt đầu trước thời kỳ mãn kinh khoảng 1 - 2 năm. Mỡ không phân bố đều trên toàn cơ thể mà tập trung nhiều quanh vùng bụng, mông và đùi, do đó khiến cơ thể mất cân đối nặng nề. Hơn nữa ở thời kỳ mãn kinh phụ nữ thường hoạt động ít hơn nhưng lại ăn nhiều hơn.
Vì thế, vị trí béo của cơ thể thay đổi theo tuổi tác. Trước 40 tuổi, phụ nữ chủ yếu béo ở phần dưới như đùi và mông; đến tuổi mãn kinh lại béo bụng và quanh vùng eo. Vì vậy, ở thời kỳ mãn kinh nếu tăng cân quá mức có thể gây ra rất nhiều vấn đề rắc rối cho cơ thể như máu nhiễm mỡ, tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về tim mạch và đặc biệt có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Hơn nữa tăng cân trong thời kỳ mãn kinh còn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, phụ nữ tăng quá 9 cân sau thời kỳ mãn kinh thì nguy cơ bị ung thư vú của họ tăng lên 20%.
Đâu là nguyên nhân chính?
Đối với phụ nữ ở độ tuổi 40-50, đây là thời kỳ mãn kinh. Nhưng ngay từ khi giai đoạn tiền mãn kinh thường gây ra những thay đổi và mất cân bằng hormon và đến tuổi mãn kinh nồng độ oestrogen giảm thực sự. Chất này có tác dụng làm tăng khối cơ bắp nên ở tuổi mãn kinh, khối lượng cơ giảm trong khi lượng mỡ tăng. Mọi phụ nữ đều chịu ảnh hưởng của diễn biến tự nhiên này, kể cả người vẫn có cân nặng gần như ổn định trong nhiều năm trước. Tuy nhiên, đây không hẳn là nguyên nhân chính gây ra béo phì và tăng cân. Chính quá trình lão hoá của cơ thể và lối sống thiếu khoa học trong thời gian dài mới là nguyên nhân chính gây ra sự thay đổi về cân nặng của cơ thể.
Lời khuyên của bác sĩ
Muốn hạn chế được tình trạng tăng cân ở tuổi mãn kinh thì ngay từ khi trẻ phụ nữ cần có thói quen tốt như tránh ăn nhiều mỡ, đường, bỏ thói quen ăn vặt... Chế độ ăn cân đối cần được duy trì lâu dài mới có thể trở thành thói quen. Ngoài ra, bất kỳ ở lứa tuổi nào cũng cần vận động, nếu ít vận động nghĩa là chấp nhận để khối lượng mỡ tăng vì vậy, cần vận động thường xuyên kể cả ở tuổi mãn kinh. Loại vận động thích hợp là đi bộ: duy trì đều đặn tốc độ 4 - 5km/giờ. Chỉ cần cố gắng để thực hành mỗi ngày 30 phút đi bộ, thậm chí 2 lần, mỗi lần 15 phút hay 3 lần mỗi lần 10 phút. Cũng cần lưu ý, khám sức khỏe định kỳ và những người mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy tuyến giáp, tiểu tiện không tự chủ, tim mạch, tăng huyết áp thì cần có sự tư vấn của bác sĩ... để có chế độ ăn, sinh hoạt khoa học.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hà