Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ cần đủ dinh dưỡng để nuôi dưỡng thai nhi, vì vậy phải có sự cân bằng của tất cả các nhóm thực phẩm chính để cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của em bé. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần tìm hiểu mức độ tăng cân hợp lý, tránh việc ăn quá nhiều khiến tăng cân quá mức.
1. Phụ nữ mang thai nên tăng bao nhiêu cân?
Nhiều người mô tả phụ nữ mang thai là "nở nang" nhưng chính vì tăng cân nên hầu hết phụ nữ mang thai đều cảm thấy khá khó chịu trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Trong giai đoạn này, cơ thể người mẹ sẽ bắt đầu tích trữ nhiều chất béo hơn để chuẩn bị cho việc cho con bú. Việc tăng cân khác nhau ở mỗi người nhưng trung bình phụ nữ mang thai sẽ tăng khoảng 10-14kg trong suốt thai kỳ. Ngoài ra, nếu một phụ nữ bị thừa cân từ trước, họ có thể tăng nhiều hơn mức trung bình này.
Trong khi một số trọng lượng này sẽ mất đi sau khi sinh (em bé sơ sinh thường nặng khoảng 3kg), một số có thể sẽ kéo dài một vài tháng sau khi sinh. Mặc dù điều quan trọng là tránh tăng cân quá mức nhưng cũng cần chấp nhận những thay đổi của cơ thể khi mang thai.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong 9 tháng thai kỳ, thai phụ chỉ nên tăng số lượng cân bằng 1/4 trọng lượng cơ thể so với trước khi có thai là tốt nhất. Ví dụ trước khi mang thai, cân nặng là 45kg thì trong suốt thời kỳ mang thai nên tăng khoảng 11kg; nếu nặng 50kg thì nên tăng khoảng 12kg.
Thông thường, khi khám thai, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cụ thể cho bạn, đặc biệt nếu bạn hơi nhẹ cân hoặc thừa cân khi bắt đầu mang thai.
2. Tăng cân khi mang thai ở mức nào dễ gây nguy cơ bệnh lý?
Theo BS. Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Nếu bà mẹ tăng khoảng 18 kg trong thời kỳ mang thai là một mối nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con”. BS. Hà cảnh báo nếu mẹ bầu tăng cân quá nhiều sẽ có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh khó hoặc phải sinh mổ vì con to, khó chẩn đoán tim thai vì mỡ ở thành bụng rất dày.
Tăng cân quá mức có thể dẫn đến tăng huyết áp và thậm chí là các biến chứng khi chuyển dạ, vì vậy chị em cần hết sức cẩn thận. Phụ nữ mang thai cũng nên tránh thức ăn nhiều đường vì cùng với việc tăng cân quá mức, ăn nhiều đồ ngọt có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ nguy hiểm cho bà mẹ mang thai và em bé vì dễ dẫn đến các biến chứng tiềm ẩn như sinh con quá cân, nguy cơ chuyển dạ sinh non, hạ đường huyết sơ sinh...
Nhưng phụ nữ mang thai tăng cân quá ít cũng là một vấn đề, vì nó có nghĩa là con bạn sẽ có nguy cơ nhẹ cân. Nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sản khoa thường theo dõi cân nặng của bạn trong 3 giai đoạn của thai kỳ và sẽ đưa ra lời khuyên cụ thể liên quan đến hoàn cảnh và nguy cơ biến chứng khác nhau của bạn.
3. Kiểm tra chỉ số BMI khi mang thai
Bà bầu nên quản lý cân nặng của mình bằng nhiều cách, có thể áp dụng chỉ số BMI để kiểm tra và xác định được số cân nên tăng trong quá trình mang thai.
BMI = cân nặng (kg) chia bình phương chiều cao:
- Với phụ nữ nhẹ cân (BMI dưới 19,8), mức tăng cân hợp lý khi mang thai là 12-18kg.
- Đối với phụ nữ cân nặng bình thường (BMI từ 19,8-26), khi mang thai tăng cân hợp lý từ 11-14kg.
- Phụ nữ thừa cân (BMI từ 26-29) trong thời kỳ mang thai nên tăng cân hợp lý là từ 8-11kg.
- Với phụ nữ béo phì (BMI trên 29), mức tăng cân hợp lý ở thai kỳ là 8kg.
- Khi mang thai đôi hoặc sinh ba, đây là trường hợp đặc biệt nên mức tăng cân hợp lý của bà mẹ là 15-20kg trong suốt thai kỳ.
Để giữ cân nặng phù hợp, ngoài chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, bà bầu cũng cần hoạt động thể chất nhẹ nhàng có lợi cho cả bản thân và thai nhi. Trên thực tế, tập thể dục giúp làm giảm đau lưng và táo bón, cũng như giữ cho bạn thân hình cân đối - điều này sẽ hữu ích khi chuyển dạ.
Tuy nhiên, để đảm bảo bạn chọn được bài tập phù hợp với nhu cầu của mình, hãy trò chuyện với nữ hộ sinh hoặc bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ điều gì mới.
Căng thẳng khi mang thai cũng có thể có tác động tiêu cực, vì vậy, mặc dù cần theo dõi chế độ ăn uống của mình, nhưng điều quan trọng là mẹ bầu phải thư giãn và tận hưởng trải nghiệm thai kỳ càng nhiều càng tốt. Đối với các mẹ bầu, không cần thiết phải tính lượng calo một cách khắt khe mà nên duy trì một chế độ ăn uống cân bằng với thực đơn phong phú và lành mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vitamin A: Bà bầu bổ sung thế nào cho đúng?