Hà Nội

Tăng cân do thuốc có nguy hiểm?

23-01-2018 13:54 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tăng cân là một trong những tác dụng không mong muốn của một số thuốc chữa bệnh. Vậy tại sao thuốc gây tăng cân? Khắc phục thế nào?

Những loại thuốc gây tăng cân

Thuốc chống trầm cảm

Nghiên cứu đã chứng minh rằng các thuốc chống trầm cảm tricylic (elavil và toframil) gây giảm thiểu tốc độ chuyển hóa đến 10%. Điều này làm cho cơ thể tăng khoảng 450g trong vòng 7-10 ngày (nếu vẫn giữ thói quen ăn uống như thường lệ). Những loại thuốc trầm cảm thế hệ cũ này sẽ tác động các chất dẫn truyền thần kinh, gây ra một loạt tác dụng phụ mà nổi bật nhất là gây tăng cân. Các thuốc chống trầm cảm ba vòng (amitriptylin, nortriptylin...), thuốc ức chế monoamine oxidase và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI) cũng có tác dụng phụ gây tăng cân.

Thuốc trị tâm thần và ổn định trạng thái: Những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, loạn thần kinh hoặc những rối loạn tâm thần khác có thể được kê zyprexa (olanzapine) hoặc risperdal. Cả 2 loại thuốc trên có liên quan đến sự tăng cân nhưng chúng được xem là tốt hơn những loại thuốc cũ như haldol. Thuốc lithium thì khá nổi đình nổi đám trong việc gây tăng cân. Có từ 1/3 đến 2/3 bệnh nhân sử dụng lithium được báo cáo là có tác dụng  tăng cân. Thuốc trị động kinh phổ biến valproate có thể làm cho bệnh nhân tăng hơn 20kg/năm. Những loại thuốc chống động kinh như clozapine và olanzapine, aripiprazole và ziprasidone cũng có xu hướng gây tăng cân.

Trước khi dùng thuốc cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM

Trước khi dùng thuốc cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM

Thuốc chống viêm corticoid

Nhóm thuốc này gồm nhiều biệt dược khác nhau, trong đó có một số biệt dược thường hay bị lạm dụng nhất, đó là prednisolon, solu - medrol, dexamethason... Bởi vì, chúng có tác dụng tốt trong chống viêm, giảm đau, nhất là trong các bệnh về xương khớp. Ngoài ra, corticoid còn được sử dụng trong điều trị các bệnh dị ứng, chống sốc (depersolon, solu- medrol...), bệnh tự miễn, bệnh về hô hấp, nhất là bệnh hen suyễn, bệnh suy tuyến thượng thận... Ngoài tác dụng chữa bệnh, corticoid còn có tác dụng giữ nước, giữ muối natri làm rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ ở mặt, cổ và lưng, gây nên hiện tượng béo phì (trông mặt tròn trịa), gây rối loạn nội tiết (mọc nhiều lông). Không những thế, corticoid còn gây một số tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể người sử dụng (loãng xương, tăng huyết áp, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dẫn đến dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn...). Corticoid còn có tác dụng kích thích tăng tiết dịch vị, từ đó gây cảm giác đói, thèm ăn và ăn ngon miệng nhưng có thể làm viêm loét dạ dày - tá tràng.

Thuốc kháng dị ứng: Thuốc cyproheptadin là thuốc kháng histamin chữa dị ứng. Loại thuốc này không làm giữ nước, natri lại trong cơ thể gây phù như corticoid, nhưng lại có tác dụng kích thích làm cho người dùng ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng hơn, gây tăng cân. Tuy vậy, nếu ngưng thuốc, sự chán ăn sẽ quay trở lại.

Thuốc nội tiết: Thuốc tránh thai hàng ngày có thể làm tăng cân. Thành phần estrogen trong viên thuốc có tác dụng giữ muối và nước làm cho người phụ nữ tăng cân, đôi khi có cảm giác sưng phù ở tay, chân và mí mắt. Ngoài ra, thành phần progestin (là một dạng tổng hợp của progestrogen) có tác dụng kích thích sự thèm ăn, gây tăng trọng lượng cơ thể.

Thuốc durabolin (đây là biệt dược của nandrolon phenylpropionat) là một dẫn chất tổng hợp tương tự hormon sinh dục nam testosteron. Tác dụng chủ yếu của durabolin là đồng hóa protein, nghĩa là giúp cơ thể hấp thu, chuyển hóa tốt protein và vận chuyển các axit amin của protein vào bên trong các mô tổ chức, làm cho cơ thể phát triển cơ bắp, tăng cân, tăng sức. Vì vậy, thuốc này có thể bị lạm dụng trong thể dục, thể thao (gọi là sử dụng doping).

Cần làm gì để hạn chế tác dụng phụ của thuốc?

Trước khi bạn sử dụng một loại thuốc nào đó, cần phải hỏi ý kiến bác sĩ để biết loại thuốc này có gây tăng cân cho những bệnh nhân trước đó hay không. Thậm chí, nếu tăng cân không được liệt kê trong những tác dụng phụ của thuốc thì nếu bạn tăng cân cũng phải báo cho bác sĩ biết, nhờ đó bác sĩ có thể biết dạng bệnh nhân nào có thể bị tăng cân.

Những thuốc gây tăng cân cũng có thể làm tăng sự thèm ăn ở bệnh nhân, kích thích bệnh nhân ăn nhiều hơn hoặc làm giảm sự chuyển hóa. Tuy nhiên, nếu bị tăng cân do thuốc, họ có thể giảm cân một cách dễ dàng. Cần lưu ý rằng tác dụng gây tăng cân do thuốc không phải xảy ra cho mọi người, vì có người không bị tác dụng không mong muốn này. Khi người bệnh bị tăng cân do thuốc, hoặc nghi ngờ tăng cân do thuốc, cũng không nên vội bỏ thuốc, vì có thể khiến bệnh tái phát trở nên rất nặng, mà nên báo cho bác sĩ biết để có hướng xử trí. Đã có lời khuyên rằng tập thể dục nhiều hơn có thể khắc phục tình trạng tăng cân do thuốc.

Có khá nhiều thuốc gây tác dụng phụ làm tăng cân. Điều cần đặc biệt lưu ý là tuyệt đối không nên lạm dụng các thuốc gây tăng cân để làm mập, vì nó có thể gây nhiều tác dụng phụ khác cho cơ thể.


DS. Nguyễn Thanh Lâm
Ý kiến của bạn