(SKDS) - Thông tin tại Hội thảo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tầm quan trọng của Sở hữu trí tuệ trong việc tiếp cận thuốc điều trị HIV/AIDS do Trung tâm Hành động vì người sống với HIV (ACP ), Mạng lưới Người sống với HIV Việt Nam (VNP ) và Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục văn hóa cộng đồng vừa tổ chức tại Hà Nội cho biết, theo các quy định hiện tại thì đối với mỗi loại thuốc, chứng nhận độc quyền chỉ được cấp trong vòng 20 năm. Sau thời gian này, các chủ thể khác có quyền tiếp cận để sản xuất loại thuốc với thành phần tương tự và bán với giá rẻ hơn (thuốc generic).
Nhưng trên thực tế, nhiều công ty dược đã tìm các cách khác nhau để kéo dài thêm thời hạn 20 năm độc quyền này bằng cách tạo ra những thay đổi nhỏ đối với các loại thuốc cũ (như thay vì thuốc viên sang sản xuất dạng thuốc nước hay siro, bổ sung khả năng bảo quản thuốc trong điều kiện độ ẩm cao hơn...) và đăng ký nhiều chứng nhận độc quyền bổ sung cho loại thuốc đó. Từ đó, đăng ký độc quyền đối với một loại thuốc sẽ bị kéo dài thêm nhiều lần quy định 20 năm ban đầu khiến cho các bên liên quan, đặc biệt là người bệnh và các tổ chức hoạt động nhằm đưa nhiều thuốc hơn đến tay người bệnh với giá rẻ hơn bị hạn chế.
Được biết ở nước ta, từ năm 2008, có đến 94% nguồn tài trợ cho các hoạt động chăm sóc và điều trị HIV tại Việt Nam đến từ các chương trình tài trợ của nước ngoài như Quỹ Toàn cầu, PEPFAR... Những chương trình này dựa vào thuốc gốc giá rẻ để cung cấp điều trị cho nhiều người nhất có thể với chi phí lên đến hơn 98% giành cho việc mua thuốc gốc giá rẻ. Việc chi phí đắt đỏ của một số loại thuốc bản quyền và việc tăng cường bảo hộ độc quyền sẽ giới hạn khả năng của PEPFAR và các chương trình tài trợ khác trong việc mở rộng tiếp cận điều trị cho bệnh nhân AIDS.
Thu Hương