Axit uric là một chất thải của cơ thể thường được tìm thấy trong máu. Sự hình thành axit uric phụ thuộc vào sự phân hủy của hóa chất gọi là purin (một chất tự nhiên được tìm thấy trong các loại thực phẩm khác nhau mà chúng ta tiêu thụ hằng ngày).
Thông thường, axit uric hòa tan trong máu, đến thận và thải ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi có sự hình thành quá nhiều purine (có thể do thói quen ăn uống), hoặc khi thận không hoạt động bình thường, axit uric sẽ tồn đọng trong cơ thể.
Quá nhiều axit uric trong cơ thể dẫn đến tăng axit uric máu, có thể lắng đọng trong các khớp và gây ra bệnh gout - một dạng viêm khớp gây đau đớn. Những tinh thể này cũng có thể lắng xuống trong thận, dẫn đến sỏi thận.
Tăng axit uric có thể dẫn đến bệnh gout.
Tăng axit uric cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim nghiêm trọng. Ngoài ra, axit uric không được điều trị cũng được coi là một yếu tố nguy cơ cho sự phát triển của đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và gan nhiễm mỡ. Do đó, cần có sự can thiệp y tế kịp thời kiểm soát các triệu chứng liên quan đến nồng độ axit uric tăng cao.
1. Triệu chứng cảnh báo tăng axit uric cần lưu ý
Tăng axit uric có thể gây hại cho các cơ quan trong cơ thể. Dưới đây là một số triệu chứng cảnh báo mức axit uric vượt khỏi tầm kiểm soát:
- Đau khớp dữ dội
- Đau bụng cấp tính (chủ yếu ở vùng bụng dưới)
- Tiểu máu
- Xuất hiện cục cứng được tìm thấy dưới da gần các khu vực khớp
- Tăng nhu cầu đi tiểu
- Cứng khớp
- Đỏ ở các vùng khớp
- Sưng không rõ nguyên nhân kèm theo đau khớp
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn chỉ nhận thấy một triệu chứng hoặc bất kỳ điều gì bất thường xảy ra trong cơ thể, hãy đi khám ngay lập tức.
2.Biến chứng của axit uric tăng cao
Axit uric tăng cao có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng.
2.1 Tăng axit uric có thể gây sỏi thận
Nếu không được điều trị, các tinh thể axit uric có thể lắng đọng trong thận và dẫn đến sỏi thận. Một số triệu chứng liên quan đến tình trạng này:
- Đau dữ dội (cơn đau quặn thận): Thường đau khởi phát từ thắt lưng, ở một bên hoặc cả 2 bên vùng hạ sườn. Sau đó lan dần từ vùng hố thắt lưng xuống phía dưới hay ra phía trước đến hố chậu, đùi, có thể lan sang cả phận sinh dục
- Buồn nôn hoặc nôn
- Đau khi đi tiểu
- Máu trong nước tiểu
- Nước tiểu đục, có mùi hôi
- Thay đổi trong chu kỳ đi tiểu: Đau, rát khi đi tiểu, tiểu rắt hoặc vô niệu…
Tăng axit uric có thể gây sỏi thận.
2.2 Axit uric cao có thể dẫn đến bệnh gout
Bệnh gout là một tình trạng xảy ra khi nồng độ axit uric tăng cao, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến các khớp, với các triệu chứng:
- Đau khớp
- Cứng khớp
- Khó cử động các khớp
- Đỏ ở vùng bị ảnh hưởng
- Sưng tấy
- Biến dạng khớp…
Cơn đau khớp do tăng axit uric có thể trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm, do đó việc chăm sóc tốt cho khớp là rất quan trọng.
Một thói quen tập luyện bao gồm các bài tập vừa phải rất tốt cho khớp. Ngoài ra đi bộ nhanh cũng rất quan trọng để giữ cho khớp linh hoạt và khỏe mạnh. Ngoài việc tập thể dục, những gì bạn đang ăn cũng rất quan trọng. Thêm một số loại thực phẩm và đồ uống vào chế độ ăn uống có thể giúp giảm đau khớp.
3. Một số thực phẩm hỗ trợ giảm đau khớp
Hãy bổ sung một số loại thực phẩm dưới đây vào chế độ ăn uống của bạn trong mùa lạnh để giúp xương khớp khỏe mạnh và tránh khỏi những cơn đau khớp trong mùa đông.
- Các sản phẩm ít chất béo như sữa chua và sữa tách kem.
- Trái cây và rau củ theo mùa
- Trứng (cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết khẩu phần)
- Các loại thịt như cá và thịt gà.
- Các loại rau lá xanh, chẳng hạn như rau bina.
- Khoai tây
- Cơm, bánh mì và mì ống
- Nguồn chất béo và dầu tốt
- Các loại hạt và bơ hạt
- Tỏi…
4.Đồ uống tốt cho người có axit uric cao
4.1 Trà xanh
Trà xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc việc giúp kiểm soát axit uric cao trong cơ thể. Theo các nghiên cứu, uống một lượng trà xanh vừa phải thường xuyên, có thể giúp giảm nồng độ axit uric trong máu. Các chất chống oxy hóa có trong trà xanh giúp chống lại chứng viêm liên quan đến bệnh gout.
Các chất chống oxy hóa có trong trà xanh giúp chống lại chứng viêm liên quan đến bệnh gout.
4.2 Nước chanh
Nước chanh rất giàu vitamin C có tác dụng giảm nguy cơ bị sỏi thận. Nước chanh giúp cân bằng nồng độ axit uric nhờ tác dụng kiềm hóa cơ thể... tốt cho người bệnh gout. Tuy nhiên, nên dùng ở mức độ vừa phải.
4.3 Trà thảo dược
Một số loại trà thảo dược như trà hoa cúc, trà hoa oải hương… không chỉ giúp cơ thể bạn nạp nhiều nước hơn mà còn giúp kiểm soát các vấn đề liên quan đến gout. Tăng cường tiêu thụ chất lỏng là điều cần thiết để chống lại các triệu chứng bệnh gout.
4.4 Cà phê
Uống cà phê có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của axit uric cao. Tuy nhiên, những người bị bệnh gout có thể uống cà phê pha với sữa tách kem hoặc sữa ít béo, không đường…, nhưng không nên dùng nhiều hơn 2 cốc trong một ngày.
Lưu ý, bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống tập luyện hằng ngày, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn của bác sĩ (nếu đang dùng thuốc) và tái khám đúng hẹn. Không chỉ dựa vào các thực phẩm và đồ uống để trị bệnh và cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ ăn uống.
Mời độc giả xem thêm video:
Cẩn trọng với 5 bệnh mùa đông - xuân ai cũng có thể mắc phải | SKĐS