Hiện nay có một thực tế là rất nhiều người, cho rằng cứ tăng acid uric máu là bệnh gout (gút) và dùng thuốc điều trị. Đây là nhận định sai lầm. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc thông tin để tránh việc lo lắng thái quá hoặc điều trị không hợp lý.
Gout là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa, gây ra bởi tình trạng lắng đọng các tinh thể urat ở các mô của cơ thể, do tăng acid uric trong máu. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai tăng acid uric máu đều bị bệnh gout.
Bình thường lượng acid uric trong máu luôn được giữ ổn định ở nồng độ dưới 7,0mg/dl (420micromol/l) và được giữ ở mức độ hằng định do sự cân bằng giữa quá trình tổng hợp và đào thải chất này. Bất kỳ nguyên nhân nào làm mất cân bằng hai quá trình tổng hợp và đào thải này, chẳng hạn tăng tổng hợp acid uric hoặc giảm thải trừ acid uric đều làm tăng acid uric trong máu. Được coi là tăng acid uric máu khi lượng acid uric trong máu tăng cao hơn giới hạn bình thường (tùy theo chỉ số của mỗi phòng xét nghiệm, tuổi, giới), thường ở nam là trên 7,0mg/dl (hay trên 420 micromol/l), ở nữ trên 6,0mg/l (360 micromol/l).
Để chẩn đoán bệnh gout có thể xác định theo tiêu chuẩn sau đây:
a. Hoặc tìm thấy tinh thể urat trong dịch khớp hay trong các hạt tô phi.
b. Hoặc tối thiểu có trên 2 trong các yếu tố sau đây: tiền sử hoặc hiện tại có tối thiểu 2 đợt sưng đau của một khớp với tính chất khởi phát đột ngột, đau dữ dội và khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần; tiền sử hoặc hiện tại có sưng đau khớp bàn ngón chân cái với các tính chất như trên; có hạt tô phi; đáp ứng tốt với colchicin (giảm viêm và đau trong 48 giờ) trong tiền sử hoặc hiện tại.
Chẩn đoán xác định khi có tiêu chuẩn a hoặc 2 yếu tố của tiêu chuẩn b.
Như vậy ta thấy nồng độ acid uric máu tăng không phải nằm trong tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh gout. Thậm chí có bệnh nhân gout mà xét nghiệm acid uric có thời điểm còn thấp hơn bình thường. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy tăng acid uric máu là một trong những yếu tố nguy cơ rõ ràng cho sự hình thành bệnh gout, mặc dù nhiều quan sát thấy rằng nhiều người tăng acid uric máu nhiều năm mà không hề có cơn gout cấp. Những người này gọi là tình trạng tăng acid uric máu không triệu chứng. Vậy câu hỏi đặt ra là nguyên nhân của tình trạng tăng acid uric máu là gì, và khi nào thì phải điều trị tình trạng tăng acid uric máu không triệu chứng.
Mời độc giả đón đọc phần 2:"3 nguyên nhân gây tăng acid uric" vào lúc 16h ngày 6/8/2015
Ths.Bs. Bùi Hải Bình (Khoa Cơ Xương Khớp - BV Bạch Mai)