71,4% dân số tham gia BHYT
Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, sau 5 tháng triển khai thực hiện Luật BHYT, hiện cả nước có khoảng 64,6 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,7 triệu người so với cùng kỳ 2014, tương đương tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Đặc biệt, nếu hết quý I/2015, số người tham gia BHYT giảm 1,4 triệu người so với tháng 12/2014 thì đến hết tháng 5/2015 số người tham gia đã quay trở về tương đương với thời điểm cuối năm 2014.
Trong năm 2015, ngành BHXH đã tổ chức ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 2.089 cơ sở y tế tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, y tế cơ quan và 9.496 trạm y tế xã để khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Việc đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu được tập trung chủ yếu tại tuyến huyện và tuyến xã (huyện 35,1%, xã 42,5%). Số lượng thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến tỉnh 20,7%, còn lại tuyến Trung ương là 1,7%. Quỹ khám chữa bệnh BHYT đã chi trả cho 50,1 triệu lượt bệnh nhân BHYT, trong đó 45,3 triệu lượt người khám chữa bệnh ngoại trú và 4,8 triệu lượt người điều trị nội trú với tổng số tiền là 17.734 tỷ đồng.
Riêng nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình: tăng 227 nghìn thẻ, tương đương 3%. Như vậy, có thể nói việc quy định bắt buộc tham gia BHYT theo hộ gia đình là đúng hướng và quy định này của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung đã từng bước được người dân đồng thuận và ủng hộ.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho rằng trong thực tiễn công tác triển khai thi hành Luật BHYT vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc như: nhiều tỉnh/thành phố chưa đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng và tỷ lệ bao phủ BHYT là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra khá phổ biến và kéo dài qua nhiều năm, theo thống kê, có khoảng 49% số người trong các doanh nghiệp không tham gia BHYT nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp để giải quyết có hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT còn nhiều hạn chế. Người dân chưa nắm rõ quy định mới của Luật BHYT. Qua kiểm tra 13 tỉnh, thành phố, nhiều người dân, kể cả cán bộ xã/phường cũng chưa biết được: Mua thẻ BHYT ở đâu? Đối tượng nào phải tham gia BHYT theo hộ gia đình và có bắt buộc không? Mức đóng BHYT cụ thể của hộ là bao nhiêu? Giảm mức đóng như thế nào?....Hệ thống đại lý bán thẻ BHYT của xã và đại lý bán thẻ BHYT của hệ thống bưu điện đều không ổn định, không chuyên nghiệp, có nơi cán bộ đại lý vừa được tập huấn, ký hợp đồng bán thẻ BHYT xong thì tháng sau đã xin thôi.
Làm gì để tăng tỷ lệ đối tượng tham gia BHYT 6 tháng cuối năm?
Có thể nói, mặc dù hiện nay chỉ có 3,6% người tham gia BHYT nữa là đạt mục tiêu 75% dân số tham gia BHYT như đã đề ra của năm 2015, tuy nhiên những khó khăn, vướng mắc kể trên đã làm cho mục tiêu 75% này vào cuối năm nay có nhiều trở ngại. Vậy vấn đề đặt ra là các cấp, các ngành cần phảm làm gì để đạt được mục tiêu đó?
Trước hết, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sâu rộng, đặc biệt là thay đổi về cách thức truyền thông, tăng dần hình thức truyền thông trực tiếp, tiếp cận cộng đồng và hộ gia đình. Nội dung truyền thông cần cụ thể, dễ hiểu như thủ tục khi tham gia BHYT hộ gia đình, mức đóng BHYT hàng năm là bao nhiêu tiền, quyền lợi cụ thể là gì,... Cần khắc phục triệt để những vướng mắc về thủ tục hành chính đối với nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình. Các đại lý BHYT cần thể hiện tính chuyên nghiệp và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, phải chủ động tiếp cận hộ gia đình để phổ biến, giải thích, hướng dẫn việc tham gia BHYT.
Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ đang tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2015-2020, bao gồm số đối tượng và tỷ lệ bao phủ theo dân số cụ thể cho mỗi tỉnh, thành phố và coi đây là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, UBND các địa phương cần cụ thể hóa các chỉ tiêu bao phủ BHYT, nhận định rõ ràng những vướng mắc ở địa phương và có giải pháp cụ thể để thực hiện. Trong thời điểm hiện nay, cần huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo... Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHYT tại các doanh nghiệp để tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHYT tại các doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thanh toán BHYT, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh...
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phát triển BHYT tại mỗi cơ sở giáo dục đào tạo, đề xuất nâng mức cho vay ưu đãi và thực hiện các giải pháp mở rộng BHYT đối với học sinh, sinh viên.
Thái Bình