Tần Thủy Hoàng và giấc mơ trường sinh bất tử

16-05-2017 15:08 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tần Thủy Hoàng (259 TCN - 210 TCN), tên húy là Doanh Chính là vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc vì ông đã có công tiêu diệt các nước chư hầu thời Chiến quốc...

Tần Thủy Hoàng (259 TCN - 210 TCN), tên húy là Doanh Chính là vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc vì ông đã có công tiêu diệt các nước chư hầu thời Chiến quốc phân tán để thống nhất lập nên đất nước Trung Hoa rộng lớn. Sau cuộc chiến tranh thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng cũng bắt đầu bước chân vào cuộc chiến mới chống lại cái chết và thực hiện giấc mơ huyễn hoặc trường sinh bất tử cho mình.

Ðốt sách, “chôn nho”

Sau khi thống nhất Trung Quốc, một trong những việc được Tần Thủy Hoàng quan tâm và thực hiện đầu tiên là đả kích các phần tử tri thức. Vào năm 213 TCN, nghe theo lời Lý Tư, Tần Vương tiến hành đốt sách thực hiện chính sách ngu dân vì lo sợ người dân sẽ vùng lên chống lại triều đình. Đến năm 212 TCN, vì bị một phương sĩ có tên Lô Sinh (theo Trang jpgushi.com của Trung Quốc) lừa đảo đến mức mụ mị, Tần Thủy Hoàng phẫn nộ trút cơn giận lên các nho sinh. Nhóm phương sĩ này tự nhận mình có năng lực siêu nhiên, có thể nói chuyện với thần tiên, dự đoán tương lai, xin thần tiên linh dược giúp con người trường sinh bất tử. Khao khát cuộc sống bất tử, Tần Thủy Hoàng đã làm theo mọi lời xúi giục của Lô Sinh cũng như nhóm phương sĩ, sau khi nhận ra bị lừa, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh bắt giữ và thẩm vấn các nho sinh, số người bị liên đới lên tới hơn 460 người. Tất cả đều bị khép tội chết vì phỉ báng nhà vua và sự kiện “chôn nho” ám ảnh suốt một thời kỳ lịch sử.Lăng một Tần Thủy Hoàng vẫn là một bí ẩn.

Lăng một Tần Thủy Hoàng vẫn là một bí ẩn.

Cử 6.000 đồng nam đồng nữ tìm núi thần tiên

Khi các nhà phương sĩ thất bại trong việc tìm cách thức trường sinh, Tần Thủy Hoàng đã đi đến đảo Zhifu - nơi được tương truyền có một vị đạo sĩ nắm giữ bí mật về cuộc sống vĩnh cửu. Dấu tích này nay vẫn còn lưu lại trên một hòn đá được khắc chữ trên hòn đảo. Tại đây, Tần Thủy Hoàng đã gặp Từ Phúc, người trình sớ tấu rằng “trên biển đông có ba ngọn núi thần có thần tiên sinh sống và có thần dược giúp trường sinh bất tử”. Từ Phúc cho biết đã từng đến đó và thần tiên nói rằng phải hiến đồng nam đồng nữ và nhân công để đổi lấy thuốc tiên. Tần Thủy Hoàng nghe vậy liền cho Từ Phúc 6.000 đồng nam đồng nữ mang theo ngũ cốc, lương thực và người làm công tìm đường ra biển. Tuy nhiên, Từ Phúc đã không mang bất cứ loại thuốc tiên nào quay trở lại có truyền thuyết rằng ông đã sang Nhật Bản.

“Thuốc trường sinh” chính là... thủy ngân

Tần Thủy Hoàng được chẩn đoán là chết do uống thủy ngân. Khi các nhà khảo cổ học khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng, thủy ngân vẫn còn tồn tại trong người của vị hoàng đế kể cả sau khi chôn cất hàng nghìn năm. Xét nghiệm mẫu đất xung quanh khu vực ngôi mộ của vị vua này thấy nồng độ thủy ngân rất cao. Xung quanh lăng mộ có các con sông thủy ngân lỏng bao quanh vì theo người Trung Quốc cổ đại, sông thủy ngân có thể đem lại sự bất tử. Có lẽ chính vì niềm tin này khiến Tần Thủy Hoàng nuốt thủy ngân để được trường sinh nhưng lại bị ngộ độc vì uống quá nhiều dẫn dến cái chết ở tuổi 49.

Bí ẩn lăng mộ Tần Thủy Hoàng

Nếu Tần Thủy Hoàng không thể bất tử thì khi ở thế giới bên kia cũng phải là vị đế vương. Ông quyết tâm trở thành người cai trị ở thế giới bên kia và chuẩn bị cho nó ngay từ khi lên ngôi Tần vương lúc 13 tuổi. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên thuật lại việc xây lăng mộ của Tần Thủy Hoàng như sau: “Khi Thủy Hoàng mới lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn. Đến khi thôn tính được thiên hạ thì dời 70 vạn người trong thiên hạ đến xây lăng mộ, đào ba con suối, ở dưới đổ đồng nung và đưa vào quách”. Lăng mộ có tổng diện tích xấp xỉ gần 9,6km2, bên trong chứa hàng ngàn tượng binh sĩ với kích thước bằng người thật nằm dưới lớp đất sâu hàng chục mét. Nhiều ghi chép lại cho thấy ngoài địa cung, tức gần khu vực có lớp đất bao bọc bên trên phát hiện thấy 300 đường hầm bồi táng có nghĩa là đất lấp lên cùng với xác người và trên 5 vạn cổ vật.

Vị Hoàng đế không chọn người kế nhiệm

Tần Thủy Hoàng tin tưởng vào sự bất tử của mình do đó ông không chọn người kế nhiệm ngai vàng cũng như không để lại di chúc. Do đó, sau khi Tần vương chết, đất nước sớm đi vào hỗn loạn vì tranh giành ngôi báu giữa các thế lực. Trong cuộc đời mình, Tần Thủy Hoàng từng cho rằng triều đại của mình sẽ cai trị Trung Quốc 10.000 thế hệ nhưng sự thực, sau cái chết của ông, triều đại nhà Tần kéo dài không đến... ba năm.


Minh Huệ
Ý kiến của bạn