Tân Thủ tướng sẽ đối mặt với nhiều thách thức

04-08-2011 07:27 | Quốc tế
google news

Ngày 2/8, Quốc hội Thái Lan đã tổ chức phiên họp đầu tiên sau cuộc tổng tuyển cử ngày 3/7. Dự kiến, bà Yingluck Shinawatra - em gái cựu Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra sẽ được Quốc hội bầu chọn làm nữ Thủ tướng đầu tiên của nước này. Tuy nhiên, chiều 2/8, ông Somsak thông báo, việc bầu Thủ tướng sẽ được hoãn lại trước ngày 5/8 song chưa ấn định thời gian cụ thể.

Ngày 2/8, Quốc hội Thái Lan đã tổ chức phiên họp đầu tiên sau cuộc tổng tuyển cử ngày 3/7. Dự kiến, bà Yingluck Shinawatra - em gái cựu Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra sẽ được Quốc hội bầu chọn làm nữ Thủ tướng đầu tiên của nước này. Tuy nhiên, chiều 2/8, ông Somsak thông báo, việc bầu Thủ tướng sẽ được hoãn lại trước ngày 5/8 song chưa ấn định thời gian cụ thể.

Theo quy định, Quốc hội sẽ bầu bà Yingluck làm nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái Lan. Như vậy, gần 5 năm sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào tháng 9/2006, ông Thaksin coi như đã “phục thù” qua thắng lợi của em gái. Bà Yingluck năm nay 44 tuổi, nguyên là một nhà doanh nghiệp, chưa hề có kinh nghiệm chính trị nên một số người cho rằng, bà chỉ là con rối trong tay ông Thaksin. Nhưng theo nhận định của ông Pavin Chachavalpongpun, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, bà Yingluck đã chứng tỏ là một nhân vật có sức thu hút mạnh và sẽ là một Thủ tướng rất có năng lực. Tuy nhiên, theo nhà phân tích này, có nhiều thách thức rất lớn đang chờ đón bà.

Trước hết, tân Thủ tướng Thái phải làm sao hòa giải thành phần dân nông thôn và dân nghèo thành thị ở miền Bắc và Đông Bắc vốn ủng hộ ông Thaksin, với thành phần trung lưu và giới tinh hoa, trung thành với Hoàng gia Thái vốn rất ghét ông Thaksin. Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2006, xã hội Thái Lan đã bị phân hóa trầm trọng giữa hai thành phần nói trên. Đường phố Bangkok trong 5 năm qua đã liên tục rung chuyển vì những cuộc biểu tình rầm rộ của phe chống và ủng hộ Thaksin.

 Yingluck là người thứ năm giữ chức Thủ tướng trong vòng 5 năm qua.

Vào mùa xuân 2010, phe chống chính quyền, mệnh danh là phe áo Đỏ (trong đó có nhiều người ủng hộ Thaksin) đã chiếm khu trung tâm Bangkok trong suốt hai tháng, trước khi bị quân đội giải tán, khiến hơn 90 người chết và 1.900 người bị thương. Phe áo Đỏ nay đang đòi trừng trị những kẻ đã đàn áp biểu tình, tức là các lãnh đạo quân sự. Nhưng làm sao thi hành công lý mà không gây thù hằn với quân đội? Đó là thách thức rất gay go đối với bà Yingluck. Theo lời ông Sean Boopracong, nguyên là một phát ngôn viên của phe áo Đỏ, bà Yingluck đã thấy đây là vấn đề hết sức nhạy cảm nên đã tuyên bố là sẽ giữ nguyên Ủy ban Hòa giải do cựu Thủ tướng Vejjajiva bổ nhiệm trước đây để giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn. Nhưng tòa án có dám kết án các lãnh đạo quân đội hay không? Toà án Hình sự Thái Lan sáng 2/8 đã quyết định tạm thả hai thủ lĩnh cốt cán của Mặt trận dân tộc thống nhất chống độc tài (áo Đỏ) là Jatuporn Prompan và Nisit Sinthuprai sau khi nộp 600.000 bạt (tương đương 20.188 USD) tiền bảo lãnh và yêu cầu hai nhân vật này không được kích động bạoloạn chính trị.

Một vấn đề tế nhị khác đó là trong thời gian tranh cử, đảng Puea Thai trên thực tế do ông Thaksin lãnh đạo từ nước ngoài đã nhắc đến khả năng ban hành lệnh ân xá cho toàn bộ các chính khách bị kết án, mở đường cho cựu Thủ tướng Thái hồi hương. Nhưng ai cũng sợ rằng, sự trở về của ông Thaksin bị kết án khiếm diện 2 năm tù sẽ gây những rối loạn mới ở Thái Lan. Bên cạnh đó, bà Yingluck cũng chịu áp lực từ phía các lãnh đạo phe áo Đỏ, đòi chia các ghế lãnh đạo cao cấp trong Chính phủ mới.

Về mặt kinh tế, những lời hứa của đảng Puea Thai khi tranh cử, đặc biệt là hứa tăng lương tối thiểu khiến giới doanh nghiệp lo ngại, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Thái Lan sợ lạm phát sẽ tăng cao.

Yingluck là người thứ năm ngồi vào chiếc ghế nóng nhất trên chính trường Thái Lan trong vòng 5 năm qua, tính từ khi anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Những thay đổi liên tục ở vị trí người chèo lái đất nước kể từ năm 2006 báo hiệu những thách thức không dễ vượt qua với nữ chính khách 44 tuổi.

Thái Lan luôn ở trong tình trạng chia rẽ chính trị kể từ khi ông Thaksin bị lật đổ. Những người ủng hộ trung thành của ông trùm truyền thông một thời và các đối thủ chính trị liên tục đối đầu để tranh giành ảnh hưởng tại Hạ viện.

HƯƠNG LINH


Ý kiến của bạn