Tân Thủ tướng Pháp - Chính khách mềm mỏng, quyết đoán

05-04-2014 06:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tân Thủ tướng Pháp được lòng cử tri, kể cả những người thuộc cánh hữu

Ông Valls thay thế Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, người mà Văn phòng Thủ tướng xác nhận đã từ chức ngày 31/3. Các thăm dò dư luận cho thấy ông Valls, Tân Thủ tướng Pháp, 51 tuổi, được lòng cử tri, kể cả những người thuộc cánh hữu.

Tân Thủ tướng Pháp Manuel Valls

Tân Thủ tướng Pháp Manuel Valls

Tuy là một nhân vật thuộc đảng Xã hội, nhưng tân Thủ tướng Pháp- Manuel Valls lại nhận được sự ủng hộ bên phía cánh hữu nhiều hơn là cánh tả, nhất là do thái độ cứng rắn của ông trong cương vị Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ cũ. Tân Thủ tướng Pháp là một người ăn nói mềm mỏng nhưng cương quyết. Tổng thống Hollande trao nhiệm vụ phát huy kinh tế tạo công ăn việc làm. Nhưng là một nhân vật thuộc khuynh hướng “xã hội tự do”, không xem xí nghiệp là con bò sữa, thử thách của ông không phải từ phe hữu mà là từ phe tả thủ cựu. Đảng Xã hội cầm quyền của ông Hollande đang bị suy giảm uy tín nghiêm trọng sau các cuộc bầu cử địa phương, trong lúc phe bảo thủ và Mặt trận Dân tộc cực hữu (FN) thắng lớn. Nếu Tổng Thư ký đảng Xã hội Harlem Désir khen ngợi quyết định của Tổng thống thì ngược lại hai bộ trưởng trong đảng Xanh là bà Cécile Duflot (Bộ Gia cư) và Pascal Canfin (Bộ Phát triển) đã tuyên bố không tham gia nội các mới, với lý do tân Thủ tướng không phải là giải pháp “đáp ứng được sự mong chờ của dân chúng”. Tuy nhiên, đảng Xanh không loại trừ một số nhân vật có tiếng tăm trong đảng sẽ tham gia nội các Valls sắp tới. Theo các nhà bình luận, chắc chắn một số chính khách bản lĩnh của đảng Xã hội sẽ tham gia nội các mới. Trong số đó có bà Ségolène Royal, người bạn đời cũ của ông Hollande, ứng cử viên Tổng thống năm 2007 có triển vọng nhận Bộ Giáo dục và Thượng nghị sĩ François Rebsamen, Chủ tịch nhóm Thượng nghị sĩ Xã hội, làm Bộ trưởng Nội vụ.

Năm nay 51 tuổi, người gốc Tây Ban Nha, ông Manuel Valls chỉ mới nhập quốc tịch Pháp năm ông 20 tuổi. Ông được bầu làm Thị trưởng của thị trấn Evry, ngoại ô Paris vào năm 2001 và một năm sau đó đắc cử nghị sĩ Quốc hội. Giống như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trong Công đảng, ông Valls thuộc phái cấp tiến trong đảng Xã hội Pháp, thậm chí có lần đã đề nghị đảng này nên đổi tên, bỏ đi chữ “Xã hội”. Năm 2011, ông Manuel Valls đã ra tranh vị trí ứng cử viên Tổng thống của đảng Xã hội, đả kích mạnh mẽ những “chính sách lỗi thời” của đảng này. Nhưng ông chỉ thu được 6% số phiếu của đảng viên. Tuy vậy, ông đã quay sang ủng hộ ông François Hollande, người được chọn là ứng cử viên Tổng thống và đặc trách về truyền thông cho chiến dịch tranh cử của ông Hollande.

Khi đắc cử Tổng thống năm 2012, ông Hollande đã đưa ông Manuel Valls lên chiếc ghế Bộ trưởng Nội vụ. Trong cương vị này, với một cá tính quyết đoán, đôi khi đến mức độc đoán, ông Valls đã thi hành một chính sách cứng rắn về an ninh giống như dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy và đã được đa số dân Pháp tán đồng. Ông Manuel Valls nhận được nhiều sự ủng hộ nhất từ cánh hữu, trong khi đó, nhiều nhân vật trong phe cực tả và thậm chí một số lãnh đạo đảng Xã hội đã nhiều lần yêu cầu cách chức ông. Việc ông được chọn làm tân Thủ tướng cũng đã gây nhiều phản ứng trái ngược nhau trong đảng Xã hội, còn đảng Xanh thì không chắc là sẽ tham gia Chính phủ Manuel Valls. Là chính khách được dân Pháp mến mộ nhất hiện nay, ông Manuel Valls vẫn không che giấu tham vọng tiến xa hơn trong sự nghiệp chính trị. Bộ Nội vụ đã là bàn đạp để ông leo lên chức Thủ tướng, nhưng mục tiêu tối hậu của ông chính là điện Elysée.

Quỳnh Diệp (Theo Le Point)


Ý kiến của bạn