Tân Thủ tướng Ấn Độ: Hành trình còn nhiều gian nan

30-05-2014 12:50 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chính quyền của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa tuyên thệ nhậm chức, nhiệm kỳ 5 năm. Con đường chinh phục hàng trăm triệu cử tri để làm nên “cơn địa chấn” trên chính trường Ấn Độ ..

Chính quyền của tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa tuyên thệ nhậm chức, nhiệm kỳ 5 năm. Con đường chinh phục hàng trăm triệu cử tri để làm nên “cơn địa chấn” trên chính trường Ấn Độ của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) do ông Modi đứng đầu không quá khó khăn, song để thực hiện thành công các cam kết tranh cử trên chặng đường mới sẽ là cả một hành trình nhiều gian nan và thách thức.

Với 282/543 ghế QH được bầu, BJP đã giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện khóa 16 vừa qua ở Ấn Độ, đánh dấu lần đầu trong 25 năm qua Ấn Độ có một chính đảng giành được đa số quá bán tại Hạ viện để tự đứng ra lập một Chính phủ độc lập. Chiến thắng vang dội của BJP chắc chắn sẽ giữ vững ổn định chính trường Ấn Độ, tạo động lực để thực hiện các kế hoạch ưu tiên như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, kiềm chế lạm phát, chống tham nhũng. Đồng thời, chiến thắng này cũng đặt dấu chấm hết một thập kỷ lãnh đạo đất nước của Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA) do đảng Quốc đại đứng đầu, do đã không tìm cách vực dậy tình trạng suy giảm kinh tế, kiểm soát giá và giải quyết nạn tham nhũng.

Chiến thắng của ông Narendra Modi có giữ vững ổn định chính trường Ấn Độ?

Chiến thắng của ông Narendra Modi có giữ vững ổn định chính trường Ấn Độ?

Nhìn vào bức tranh kinh tế của Ấn Độ với mức tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 5% trong năm 2013; đồng ru-pi bị mất giá kỷ lục so với đồng USD; tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên ngưỡng gần 10% có thể thấy đây quả là một thực tế mà Chính phủ mới không dễ dàng thay đổi trong ngắn hạn. Quốc gia 1,25 tỷ dân đang trong tiến trình đô thị hoá và toàn cầu hoá, với lực lượng lao động trẻ tăng vọt. Đối với những cử tri trẻ tuổi, ưu tiên cao nhất của họ là có việc làm và đất nước phát triển. Làm sao để BJP thực hiện cam kết sẽ thay đổi luật lao động, trong đó tập trung lĩnh vực chế tạo, một chìa khoá tạo hàng triệu việc làm cho khoảng 13 triệu lao động trẻ bước vào độ tuổi lao động mỗi năm ở Ấn Độ nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, quả thật là một thách thức trong lúc này với chính quyền mới.

Dự báo, nền kinh tế Ấn Độ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2014, khó đạt mức tăng trưởng bằng hoặc vượt 6%. Tân Thủ tướng Modi nhấn mạnh, thúc đẩy cải cách sẽ là “chìa khoá” để tăng GDP của Ấn Độ. Để thực hiện lời hứa này, chính quyền Modi cần vượt qua 7 thách thức, gồm: Kiểm soát giá cả leo thang; Từng bước phục hồi đà tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm khi mỗi năm nước này có tới 12 triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động; Kích thích phát triển doanh nghiệp; Giảm lãi suất, kích thích tiêu dùng; Cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá thủ tục, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh; Ban hành Bộ luật Tài chính, vạch lộ trình tương lai cho lĩnh vực này; Triển khai các dự án hạ tầng lớn, từ kế hoạch xây dựng 100 thành phố mới và liên kết các con sông đến xúc tiến xây dựng hành lang công nghiệp, phát triển năng lượng...

Theo báo Mỹ CNN, đối với tân Thủ tướng Modi, bảo đảm nhu cầu năng lượng cho Ấn Độ trong thập kỷ tới là một trong những thách thức lớn nhất ông sẽ phải đối mặt. Điều đó cho thấy chính quyền Modi sẽ phải vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ và Nga - ba quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới hiện nay. Đối với các nước này, an ninh năng lượng là mục tiêu lâu dài và không đổi, buộc họ phải nghiên cứu để tìm nguồn năng lượng mới, công nghệ mới và các cơ hội đầu tư mới trên toàn cầu. Dù là quốc gia tiêu thụ năng lượng thứ tư thế giới, song trong công cuộc hợp tác và cạnh tranh ở lĩnh vực này, Ấn Độ dường như đang bị “chậm chân” so “tốp ba” nói trên. Mỹ có quặng đá phiến dồi dào; Trung Quốc “vươn tay” khắp nơi trở thành quốc gia sở hữu nhiều nhất các thỏa thuận năng lượng quốc tế, với các hợp đồng khí đốt từ Bắc Mỹ, các đường ống dẫn dầu trải khắp Myanmar, các dự án cổ phần khí hóa lỏng với Nga cũng như thỏa thuận mua dầu khí ở Biển Caspi. Cơ quan Năng lượng quốc tế dự đoán, năm 2020 Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia có nhu cầu năng lượng lớn nhất toàn cầu; vào năm 2025 Ấn Độ sẽ trở thành nhà nhập khẩu than đá lớn nhất thế giới.

Việc tân Thủ tướng Modi giải quyết tình hình năng lượng của Ấn Độ ra sao cũng như mối quan hệ giữa Ấn Độ với Nga, Trung Quốc và Mỹ sẽ được ông cài đặt như thế nào có thể sẽ quyết định chính quyền tương lai của ông.

Phong Vũ

 


Ý kiến của bạn