Tại Phiên họp thứ 26 ngày 20/9, UBTVQH đã cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Tại phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã có báo cáo một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội về việc tiếp thu, giải trình dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Liên quan đến số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, bà Nguyễn Thúy Anh thông tin, hiện có 2 loại ý kiến: Thứ nhất, tán thành với việc đề xuất giảm số năm đóng BHXH hưởng lương hưu xuống 15 năm; Thứ hai, đề nghị giữ 20 năm như hiện hành để bảo đảm lương nhận được không quá thấp, tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng.
Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng, việc bảo đảm số năm tối thiểu tham gia BHXH mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để được hưởng chế độ hưu trí tối thiểu đầy đủ mà còn phải bảo đảm cả điều kiện về tuổi nghỉ hưu. Quy định giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỉ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH sẽ tăng trong trung và dài hạn. Từ đó tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, cải thiện tính công bằng.
Việc điều chỉnh số năm tối thiểu đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu lần này là thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 28. Ngoài ra, nếu giảm số năm đóng BHXH đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm, mức hưởng tiền lương tối thiểu (mức sàn) đối với đối tượng này chỉ còn 33,75% so với mức lương đóng BHXH, nếu đóng BHXH 20 năm sẽ là 45% như hiện hành; đối với nữ là 15 năm và mức hưởng 45% như hiện hành.
Theo bà Thúy Anh, việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết. Từ đó khuyến khích người lao động có quá trình tham gia BHXH không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, dù đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất, song do còn ý kiến khác nhau và để có cơ sở vững chắc giúp Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ một số nội dung gồm:
Thứ nhất, cần phải giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về khía cạnh chia sẻ của BHXH, khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu khi sửa đổi luật lần này.
Thứ hai, cần thể hiện rõ quan điểm về lương hưu của một số nhóm lao động (bán chuyên trách xã, thôn) sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn chuẩn nghèo, thì khi đó điều chỉnh để cao hơn không, dự báo về nguồn ngân sách sẽ chi trả?