Đây là một ứng dụng mới của laser trong lĩnh vực tán sỏi giúp quá trình tán sỏi hiệu quả và an toàn, có thể tán mọi loại sỏi với kích thước lớn mà không gây tổn thương niệu quản và thời gian nằm viện ngắn.
Sỏi hệ tiết niệu tại Việt Nam là một bệnh lý đứng hàng đầu trong số các bệnh lý của hệ tiết niệu. Với sự tiến bộ của khoa học nói chung, sự tiến bộ vượt bậc của quang học, các dụng cụ nội soi tinh vi ra đời, áp dụng vào lĩnh vực niệu khoa qua các kỹ thuật điều trị ít xâm hại.Tán sỏi niệu quản qua nôi soi ngược dòng là một trong những tiến bộ đó.
Sự hình thành sỏi
Sỏi tiết niệu là sự lắng đọng những chất đáng lẽ có thể hòa tan trong nước tiểu, vì một lý do nào đó đã kết tinh, lắng đọng lại và tạo sỏi trong thận. Tùy thời gian, vị trí và độ lắng đọng mà kích thước sỏi lớn nhỏ khác nhau.Nước từ mạch máu ngấm qua tế bào thận, bài tiết nước tiểu qua ống thận vào lòng thận, theo ống bài tiết (niệu quản) xuống bàng quang và thoát ra ngoài.
Sỏi hình thành, di chuyển ở bất cứ vị trí nào trên đường đi của nước tiểu và được gọi là sỏi thận, sỏi niệu quản hay sỏi bàng quang. Tuy nhiên, do cấu tạo của thận có nhiều ngóc ngách, khe kẽ mà độ lắng đọng lớn hơn khiến dễ bị sỏi hơn cả.
Quá trình hình thành sỏi không có triệu chứng rõ rệt nên bệnh nhân thường không nghĩ mình bị sỏi thận. Chỉ đến khi sỏi gây đau đớn hay đi tiểu ra sỏi mới biết. Bệnh sỏi thận là một bệnh phổ biến hiện nay, do thói quen ngồi nhiều, ngại uống nước, do uống thuốc, sữa bổ sung canxi... Để được chữa trị kịp thời, bệnh nhân nên đi khám ngay khi nhận thấy một trong các triệu chứng, dấu hiệu thận có sỏi.
Theo vị trí, sỏi tiết niệu bao gồm: sỏi đài thận, sỏi bể thận, sỏi san hô, sỏi niệu quản đoạn trên, sỏi niệu quản đoạn giữa, sỏi niệu quản đoạn dưới, sỏi bàng quang và sỏi tuyến tiền liệt.
Theo cấu tạo, sỏi tiết niệu gồm có: sỏi phosphat và oxalat canxi, sỏi struvit, sỏi urat và sỏi cystin.
Triệu chứng
Ở thể điển hình, sỏi tiết niệu có các triệu chứng: đau thắt lưng - có khi đau nhiều kiểu cơn quặn thận và đái máu liên quan với vận động. Nhưng có một số trường hợp không có biểu hiện lâm sàng, sỏi tiết niệu được phát hiện tình cờ qua kiểm tra sức khỏe định kỳ, qua điều tra bệnh tật trong cộng đồng.
Đau: đau dữ dội, đau thường khởi phát từ các điểm niệu quản, lan dọc theo đường đi của niệu quản xuống phía gò mu, cũng có khi đau xuyên cả ra hông, lưng, có khi buồn nôn và nôn. Đau âm ỉ, gặp ở những trường hợp sỏi vừa và thậm chí lớn nhưng nằm ở vị trí bể thận.
Đái máu: biến chứng thường gặp của sỏi thận - tiết niệu, nhất là khi sỏi đang di chuyển bên trong niệu quản gây đau kèm đái máu.
Đái buốt, đái rắt, đái mủ: khi có nhiễm khuẩn tiết niệu, nó tái phát nhiều lần, có thể đái ra sỏi.
Sốt: người bệnh sốt cao, rét run kèm theo triệu chứng đau hông, lưng, đái buốt, đái rắt, đái mủ là dấu hiệu của viêm thận - bể thận cấp.
Các dấu hiệu tắc nghẽn đường niệu: đái tắc từng lúc hoặc hoàn toàn.
Quy trình thực hiện tán sỏi niệu quản bằng laser
Trước tiên. bệnh nhân được gây tê tủy sống hoặc gây mê, người bệnh nằm với tư thế phụ khoa. Sau đó các bác sĩ dùng ống nội soi niệu quản qua đường niệu đạo đến sỏi rồi luồn dây dẫn tia laser đến sỏi (cách sỏi 1mm). Tùy theo độ cứng của sỏi mà các bác sĩ sẽ dùng tia laser cường độ tia lớn hay nhỏ bắn vào viên sỏi. Khi sỏi đã tán vỡ nát sẽ theo nước tiểu xuống bọng đái và ra ngoài. Nếu mảnh sỏi nào lớn hơn 3mm thì bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để đưa ra ngoài .
Phương pháp tán sỏi qua nội soi niệu quản ngược dòng bằng laser đã được ứng dụng và điều trị cho nhiều bệnh nhân. Vì tính chất ít sang chấn nên thời gian nằm viện được rút ngắn và ghi nhận hiệu quả tích cực trong điều trị bệnh lý sỏi tiết niệu.
Ưu điểm của phương pháp tán sỏi laser:
- Có thể tán được tất cả các loại sỏi.
- Tán được những viên sỏi có kích thước lớn.
- Không gây tổn thương niệu quản
- Thời gian tán sỏi trung bình chỉ 30 phút.
- Thời gian nằm viện ngắn (trung bình là 2 ngày).
PGS.TS. NGUYỄN HOÀI NAM