Tán sỏi niệu quản dưới qua nội soi bằng siêu âm

22-05-2014 15:00 | Dược
google news

SKĐS - Điều trị sỏi niệu quản dưới bằng phương tiện ít xâm lấn như nội soi tán sỏi bằng siêu âm có chỉ định thích hợp và cho hiệu quả cao, an toàn.

Ngày nay, điều trị sỏi niệu quản đoạn 1/3 dưới bằng phương tiện ít xâm lấn như nội soi tán sỏi bằng siêu âm có chỉ định thích hợp và cho hiệu quả cao, an toàn. Đây là phương pháp điều trị mới đang được phát triển rộng rãi tại nước ta.

Sỏi đường tiết niệu là một bệnh chiếm gần 50% bệnh lý của tiết niệu. Sỏi niệu quản cũng có một vị trí đáng kể từ 30 - 40% trong sỏi niệu. Đặc biệt là sỏi niệu quản 1/3 giữa, dưới chiếm đến 80 - 85%. Phẫu thuật mở lấy sỏi niệu quản 1/3 dưới gặp nhiều khó khăn hơn so với sỏi ở các vị trí khác.

án sỏi bằng siêu âm có vai trò hiệu quả ra sao?

Điều trị bằng tán sỏi siêu âm là một phương pháp mới mang lại kết quả cao ít gây tổn thươngthành niệu quản nên hiện nay nội soi niệu quản tán sỏi được chỉ định rộng rãi hơn. Máy tán sỏi siêu âm là một trong những phương tiện hiệu quả và an toàn trong điều trị sỏi niệu quản qua đường nội soi ngược dòng. Về nguyên lý, máy tán sỏi bằng siêu âm đã được Mulvancy ứng dụng năng lượng siêu âm để tán sỏi niệu quản lần đầu tiên vào năm 1953. Sóng âm thanh tần số cao (23.000 - 25.000 Hz) được tạo ra bởi năng lượng điện biến đổi trên lõi thủy tinh piezoceramic nằm bên trong tay cầm của dụng cụ siêu âm. Năng lượng siêu âm tạo thành những xung động của que tán kim loại và được truyền đến sỏi. Dụng cụ tán sỏi siêu âm là hệ thống kết hợp 2 chức năng: phá sỏi bằng năng lượng siêu âm và hút rửa dịch, mảnh sỏi vụn qua lỗ rỗng trong lòng của que tán. Nước lưu thông bên trongcó tác dụng làm giảm nhiệt que tán và do đó không làm tổn thương thành niệu quản. Để có thể làm vỡ sỏi, que tán phải tiếp xúc trực tiếp với sỏi. Do đó, sỏi phải được giữ cố định tại một vị trí bằng cách dùng rọ bắt sỏi hoặc tì sỏi vào thành niệu quản trong lúc tán. Với sỏi niệu quản khảm, sỏi ít di động do bám dính vào niêm mạc, tán sỏi siêu âm có thể gặp thuận lợi, sỏi vỡ nhanh và ít gây tổn thương niệu mạc. Những trường hợp tán sỏi có hiệu quả cao: sỏi niệu quản đoạn chậu 1/3 dưới và sỏi niệu quản 1/3 giữa kích thước > 5 - 15mm.

Viên sỏi quá to --> Siêu âm tán sỏi ---> sỏi nhỏ hơn có thể thoát khỏi cơ thể qua đường tiết niệu.

Viên sỏi quá to --> Siêu âm tán sỏi ---> sỏi nhỏ hơn có thể thoát khỏi cơ thể qua đường tiết niệu.

Phương pháp tán sỏi niệu quản dưới bằng siêu âm

Bệnh nhân được gây tê tủy sống, nằm thế sản phụ khoa. Đặt máy soi vào bàng quang rồi đưa máy soi lên niệu quản theo dây dẫn (guidewire) để tiếp cận sỏi.Tiến hành tán vỡ vụn sỏi và gắp các mảnh sỏi vụn ra ngoài. Đánh giá tình trạng niệu quản khi kết thúc tán sỏi để quyết định đặt nòng niệu quản dẫn lưu (bằng thông JJ hoặc ống sonde niệu quản 6Fr) nếu niệu quản có xây xước, phù nề hoặc vẫn còn một ít mảnh sỏi vụn chưa lấy ra hết. Nếu tình trạng niệu quản tốt sẽ không cần đặt nòng niệu quản lưu. Giai đoạn hậu phẫu, bệnh nhân được sử dụng kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, và rút thông niệu quản (nếu có).

Những biến cố không mong muốn

Biến chứng của tán sỏi niệu quản qua nội soi siêu âm bao gồm thủng niệu quản, chảy máu, choáng nhiễm trùng, hẹp niệu quản hay thất bại khi sỏi chạy lên trên thận

Những lưu ý trước khi tán sỏi

Bệnh nhân cần phải làm các xét nghiệm công thức máu, chức năng đông máu toàn bộ, ion đồ, chức năng gan, chức năng thận, đo điện tim, chụp X-quang phim phổi. Đặc biệt, trên bệnh nhân có các bệnh lý đi kèm cần phải được điều trị ổn định bệnh lý trước khi tán sỏi, cần có nhận xét rõ ràng về phía phẫu thuật viên. Sỏi có kích thước từ 15mm trở xuống, ít hoặc không bám chặt vào niêm mạc niệu quản. Toàn thân bệnh nhân phải được chuẩn bị chống nhiễm trùng nếu có trước khi tiến hành tán sỏi. Chống chỉ định tán sỏi trên những bệnh nhân có rối loạn đông máu, tiền căn dị ứng thuốc tê, thuốc mê, bệnh lý nội khoa nặng chưa ổn định.

BS.CKII. TUỆ THÀNH


Ý kiến của bạn