Hà Nội

Tân sinh viên 'phát sốt' với các khoản phí đầu năm học

31-08-2023 08:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Sau khi xác nhận nhập học, các tân sinh viên sẽ nhận được thông báo của các trường về thủ tục nhập học cũng như các khoản phí phải đóng.

Thí sinh và phụ huynh lo lắng khi các khoản phí lên tới cả chục triệu đồng

Em H. Long (năm nay đỗ vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) cho biết, theo thông báo của trường thì sinh viên khi nhập học phải đóng học phí không tính theo tháng mà nhà trường sẽ thu theo học kỳ với số tiền 14,11 triệu đồng. "Ngoài học phí, các khoản khác cũng phải đóng như Bảo hiểm y tế 850.000 đồng, Khám sức khỏe 120.000 đồng, Bảo hiểm thân thể 325.000, Quỹ khuyến học 20.000 đồng, Bảo hộ lao động đối với ngành Kỹ thuật, Công nghệ 400.000 đồng. Tổng số tiền phải đóng là trên 15 triệu đồng".

Tân sinh viên "phát sốt" với các khoản phí đầu năm học - Ảnh 1.

Long cho biết, chưa kể tiền thuê nhà trọ, tiền chi phí sinh hoạt thì ngay những ngày đầu trước khi nhập học này, bố mẹ Long phải lo một số tiền không nhỏ. Long tính phương án sẽ đi làm thêm để giúp đỡ bố mẹ chi trả tiền ăn ở khi học đại học.

Cũng như nhiều thí sinh trúng tuyển đại học khác, niềm vui vừa vỡ òa thì Đ.T.Linh (ở Phú Thọ) đã chuyển thành lo lắng khi nhận thông báo số tiền cần phải đóng khi làm thủ tục nhập học.

"Em đỗ Học viên Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhưng nhìn mức học phí khiến em rất lo lắng. Ngoài tiền học phí thì hầu hết cái gì cũng tăng, như tiền nhà, tiền ăn ở, tiền xăng xe, tiền sách vở giáo trình... Em tính sơ sơ trung bình một tháng gia đình phải chu cấp cho em khoảng 12 triệu đồng/tháng". Linh cho biết, điều kiện kinh tế của gia đình không đủ chi trả nên em dự tính sẽ đi làm thêm ngay khi xuống trường nhập học.

Chị Nguyễn Thị Hoa (Đông Anh, Hà Nội) có con vừa đỗ vào Học viện Tài chính năm nay chia sẻ, hai vợ chồng chị mỗi tháng cũng chỉ kiếm được khoảng hơn chục triệu đồng nên cũng lo lắng. "Khi nhập học phải đóng một cục nên tôi cũng choáng. Không chỉ học phí đầu năm mà còn biết bao chi phí khác khi con học đại học như tiền nhà trọ, tiền đi lại… Đúng là tiền học đại học bây giờ cao, con cái ăn uống, ở trọ chi phí cũng nhiều hơn, khác thời của chúng tôi".

Còn đối với nhiều tân sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM không khỏi ngơ ngác khi nhận danh sách các khoản phí phải đóng ở trường. Trong danh sách này gồm 13 hạng mục, có một số khoản như tiền học phí 14 triệu đồng/học kỳ, lệ phí nhập học 280.000 đồng, tiền giáo trình 800.000 đồng, lệ phí thư viện 690.000 đồng, tiền wifi 500.000 đồng, lệ phí kiểm tra tiếng Anh đầu vào (trừ ngành ngôn ngữ Anh) 345.000 đồng.

Chưa kể các khoản như lệ phí khác như: kiểm tra tin học đầu khóa gồm 345.000 đồng và 445.000 đồng, học phí tiếng Anh chuẩn đầu ra bậc 3/6 4,5 triệu đồng, tiền học kỹ năng mềm 600.000 đồng. Tiếp đó là tiền lệ phí xét ở nội trú ký túc xá, tiền phí nội trú...

Sinh viên được vay tối đa 40 triệu đồng/năm học

Theo TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, học phí cao có thể làm giảm cơ hội học đại học, nhất là với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ở các tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa, mức thu nhập của gia đình thấp hoặc không ổn định. "Tăng học phí cần căn cứ vào mức thu nhập trung bình của người dân, tránh tình trạng chỉ con nhà giàu mới có cơ hội học đại học. Ngoài ra, tăng học phí cũng cần đi đôi với nâng cao chất lượng giáo dục và kiểm toán minh bạch thu chi của các cơ sở giáo dục đại học".

Tân sinh viên "phát sốt" với các khoản phí đầu năm học - Ảnh 2.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên ban hành năm 2022, mỗi học sinh, sinh viên được vay vốn học tập tối đa 40 triệu đồng/năm học 10 tháng, tương đương 4 triệu đồng/tháng.

Chương trình này áp dụng cho học sinh, sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật và hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường. Đối với học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.

Cũng theo quyết định này, kể từ ngày kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, học sinh - sinh viên được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.

Mức trần học phí đại học với khối ngành Y Dược sẽ thế nào?Mức trần học phí đại học với khối ngành Y Dược sẽ thế nào?

SKĐS - Nếu mức học phí năm học mới áp dụng theo Nghị định 81, biên độ tăng rất cao so với năm học trước, có khối ngành tăng tới 93% gây khó khăn cho phụ huynh và người học.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn