Tân Ngoại trưởng Anh thăm Trung Quốc: Chuyến đi nhiều tham vọng

31-07-2018 15:32 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tân Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt chọn Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài quan trọng đầu tiên trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao. Chuyến đi này được cho là mang tới nhiều thông điệp với đối tác Trung Quốc.

Theo giới phân tích, thương mại hậu Brexit là một trong những vấn đề chính cần giải quyết thỏa đáng để Anh có thể "an toàn" vượt ra khỏi cái bóng EU sau gần nửa thế kỷ. Bởi trước đó, tất cả các hoạt động trao đổi thương mại của quốc gia này đều được định hướng theo EU. Trong bối cảnh hiện tại, khi khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại với EU vào tháng 3 tới vẫn chưa rõ ràng thì London thực sự cần những thỏa thuận thương mại trực tiếp với các đối tác ngoài khối, mà Trung Quốc là đối tác tiềm năng nhất.

Hiện, Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU, còn Trung Quốc cũng là đối tác thương mại ngoài EU lớn thứ hai của Anh với kim ngạch thương mại năm ngoái đạt 79 tỷ USD, tăng gần 6,2% so với năm 2016. Hơn 500 doanh nghiệp Trung Quốc đã mở văn phòng tại Anh, với tổng vốn đầu tư 21,8 tỷ USD  vào các dự án. Phát biểu trước chuyến thăm, Ngoại trưởng Hunt khẳng định Anh và Trung Quốc là hai cường quốc lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu, vì vậy trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời khỏi EU và đón nhận nhiều cơ hội vươn xa hợp tác hơn bao giờ hết, London cam kết nỗ lực tăng cường quan hệ song phương cho thế kỷ 21. "Đối thoại chiến lược Anh-Trung Quốc là một cơ hội quan trọng để đẩy mạnh hợp tác song phương theo khuôn khổ quan hệ đối tác toàn cầu và 'Kỷ nguyên vàng' trong quan hệ Anh-Trung".

Ngoại trưởng Anh Jeremy Huntchọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên khi nhậm chức, cho thấy quan hệ Anh-Trung đang tốt đẹp.

Chính sách của Chính phủ Anh coi mối quan hệ với Trung Quốc là điểm nhấn trong chính sách ngoại giao thời kỳ hậu Brexit. Khi thăm Trung Quốc hồi đầu năm 2018, Thủ tướng Theresa May cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước sau Brexit, trong đó tính tới mọi cơ hội cho các mối quan hệ thương mại tương lai. Việc ông Hunt chọn Trung Quốc là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức cũng cho thấy tầm quan trọng của Bắc Kinh đối với London. Vốn là một chính trị gia có quan điểm thắt chặt quan hệ Anh- Trung Quốc, chuyến thăm của ông Hunt lần này rõ ràng là một nỗ lực khác mà Chính phủ Anh thực hiện để đẩy mạnh cam kết với Trung Quốc.

Vì thế, trọng tâm cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Anh và Ngoại trưởng Trung Quốc đều tập trung vào mục tiêu thúc đẩy hợp tác song phương. Phát biểu sau cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định hai bên đã nhất trí đẩy mạnh trao đổi thương mại và đầu tư song phương. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh cho biết phía Trung Quốc đã đề nghị "triển khai các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại song phương" thời kỳ hậu Brexit. Về phần mình, việc có thêm một "đồng minh" mạnh như Anh cũng là một bước đi mang lại lợi thế lớn. Ý tưởng trên được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thể hiện rất rõ trong buổi họp báo với người đồng cấp Anh. Ông Vương Nghị khẳng định rằng “Trung Quốc và Anh cần coi sự phát triển của mỗi bên là cơ hội chứ không phải mối đe dọa". Ngay lập tức, Đại sứ Anh tại Trung Quốc Barbara Woodward khẳng định Anh sẽ hợp tác với Trung Quốc để đảm bảo WTO sẽ là một phần quan trọng trong các quá trình giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc vẫn còn là vấn đề thời gian, bởi Bắc Kinh sẽ chỉ ký kết một thỏa thuận như vậy sau khi London hoàn tất các quy trình chia tay EU. Nhà phân tích Jackson Ng nhận định việc ông Hunt trở thành Ngoại trưởng Anh và được cử tới Trung Quốc là một tin tích cực đối với một nước Anh hậu Brexit, bởi ông là một người có nhiều kinh nghiệm hoạt động tại các thị trường châu Á, có vợ là người Trung Quốc. Còn chuyên gia Yu Jie, trưởng bộ phận đánh giá quan hệ Trung Quốc tại LSE AIDEAS, phòng nghiên cứu chiến lược chính sách ngoại giao thuộc Trường Kinh tế London, thì cho rằng ông Jeremy Hunt là "chất xúc tác cần có" để thúc đẩy kế hoạch xây dựng "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Anh- Trung.

Tuy nhiên, không ít nhà quan sát thận trọng cho rằng bà May vẫn tỏ thái độ "lạnh nhạt" với dự án “Vành đai và con đường” của Trung Quốc, sẽ cản trở mục tiêu đầy tham vọng trên của Anh. Và do đó, khả năng Anh sẽ có sự điều chỉnh nhất đeịnh về chính sách đối với Trung Quốc.


N.Minh
Ý kiến của bạn