Hầm đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (đoạn từ ga S9 đến ga Hà Nội) có thời gian khai thác lên tới hàng trăm năm, vì vậy, các tấm vỏ hầm được yêu cầu thi công rất cao về cả kỹ thuật và mỹ quan. Để chuẩn bị cho công đoạn đào hầm đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, nhà thầu đang trong quá trình sản xuất vỏ hầm.
Quy trình sản xuất vỏ hầm tại nhà máy trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Để có 1 tấm vỏ hầm, những kỹ sư, công nhân phải tuân thủ theo quy trình bao gồm 10 giai đoạn khác nhau nhằm đảm bảo các cấu kiện đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Việc sản xuất các vỏ, đốt hầm đúc sẵn được thực hiện qua các công đoạn khép kín. Đầu tiên, gia công cốt thép và kiểm tra tổ hợp cốt thép từng chi tiết nhỏ.
Vật liệu cho cấp phối bê tông có yêu cầu rất cao. Đá và cát chỉ có một vài mỏ trong nước đáp ứng đủ, và một số vật liệu khác phải nhập khẩu từ nước ngoài (sợi, phụ gia,...). Chất lượng bê tông yêu cầu nghiêm ngặt, quy trình cân cốt liệu với sai số rất nhỏ (0,5% đến 2% tùy vật liệu), chu trình đổ bê tông khép kín...
Thép của những tấm bê tông này là loại thép riêng biệt (B500B) theo tiêu chuẩn châu Âu, với sai số kích thước cho quá trình thi công cốt thép là 5mm.
Khi sản xuất, các tấm vỏ hầm sẽ được che phủ bằng các buồng kín để thực hiện công tác bảo dưỡng bằng hơi nước cho đến khi bê tông của tấm vỏ hầm đạt tới 60% cường độ nén quy định, tương đương với 30 MPa, trong khoảng từ 4 - 6 tiếng.
Sau đó, các tấm vỏ hầm sẽ được chuyển đến khu vực bảo dưỡng nước trong vòng 7 ngày.
Cuối cùng, sản phẩm sẽ được cẩu chuyển từ khu vực bảo dưỡng nước đến khu vực lưu trữ. Tại đây, sản phẩm được sơn lớp bảo vệ epoxy, đánh dấu từng đốt hầm để phục vụ cho việc lắp đặt thi công.
Công đoạn cuối cùng tại nhà máy là sản phẩm sẽ được chuyển ra khu vực lưu kho, lắp gioăng EPDM, thanh dẫn và tấm đệm.
Quy trình vận chuyển vỏ hầm trên quãng đường 71 km từ nhà máy ở tỉnh Hà Nam về ga S9 - Kim Mã gồm 5 giai đoạn. Thứ nhất là công tác chuẩn bị trước khi vận chuyển: các phân đoạn vỏ hầm được kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng để đảm bảo không có lỗi kỹ thuật hoặc hư hỏng, sau đó đóng gói và bảo vệ bằng các vật liệu chống sốc và chống trầy xước.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: "Hiện nay các chuyên gia đang tiến hành kiểm tra lần cuối để tiến hành đào hầm, dự kiến ngày 30/7. Máy đào hầm TBM sẽ được khởi động và tiến hành đào hầm. Đối với các hộ dân bị ảnh hưởng, đến thời điểm hiện tại đã bắt đầu được di dời để máy khoan hầm hoạt động".
Về tiến độ của đoạn đi ngầm, ông Nguyễn Bá Sơn cho biết, thời gian khoan hầm sẽ diễn ra trong vòng 15 tháng. Dự án sử dụng 2 máy khoan hầm được sản suất từ nước Đức. Để giảm thiểu tác động áp lực, 2 máy sẽ khoan so le nhau. Mỗi ngày, sẽ khoan được 10m đến 12m. Đường hầm được khoan 20m dưới lòng đất.