Bên cạnh nhiều vấn đề đang rất nóng, mà nóng nhất là tình hình biển Đông thì những ngày tháng 7 này có 3 sự kiện đang khiến nhiều người phải, hoặc vô tình, hoặc cố ý, lưu tâm, ấy là World Cup, thi vào đại học và... Lệ Rơi.
Không cần giải thích, chỉ nhắc 3 cụm từ này, chắc rất ít người không biết, số người không biết thật chắc chỉ là hãn hữu.
Tôi không thể hiểu được là sao cho đến giờ vẫn có học trò đi thi, mà lại là thi vào đại học, mua “phao” mang theo. Xem tivi thấy cái chợ “phao” ở trước một trường đại học lớn nó hoạt động mà kinh. Thời còn đi học, tôi nhớ mình không bao giờ cần đến “phao”, sau có thời gian đi thỉnh giảng cho một trường trung cấp văn hóa nghệ thuật thì cũng ra đề để học trò không cần “phao”, nhưng chúng vẫn... “phao”. Hai đứa con gái tôi, ơn trời, cũng chả đứa nào phải thủ “phao” đi thi và giờ chúng đều có việc làm tử tế bằng chính sức của chúng ở những môi trường làm việc rất khắt khe, hoàn toàn không đánh giá người qua... “phao” hoặc bằng cấp. Một thời thi cử nó... nông nổi nên “phao” cứ loạn lên, trắng sân trường trong sự ngác ngơ của dây thần kinh xấu hổ. Giờ tưởng hết rồi, té ra tôi nhầm. Ông bà nào bí đề tài làm luận án tiến sĩ có thể lấy ngay chuyện “phao” này làm được đến mấy cái luận văn đấy. Nó là thời trân đặc biệt, độc quyền của xứ Nam ta, nước ngoài chắc chả có...
Anh chàng có nick Lệ Rơi gần đây nổi lên như một hiện tượng trên mạng xã hội.
Không chỉ “phao” với mấy trăm ngàn đồng đến hàng triệu một bộ bán đầy các tiệm photo copy trước cửa các trường đại học, có cả Trường An ninh, năm nay người ta còn cho thuê các tai nghe như hạt đậu vô cùng hiện đại, 700.000 đồng một ngày để các sĩ tử nhận đáp án từ bên ngoài. Đến thế thì không còn gì để nói nếu như có một câu chuyện vô tình bung ra làm ta rớt nước mắt: Một ông bố ở một tỉnh biên giới phía Bắc, trước khi đưa con đi thi đã leo núi bắt được chục con sáo đá, và ông, con ông cùng mấy con sáo đá ấy xuống Thủ đô ứng thí. Sáo đá chính là tiền, khi con vào thi thì ông tìm cách “chuyển đổi” sáo thành tiền để nuôi con thi...
Cũng thế, tôi đã rất kinh hoàng khi công an khui ra ổ cá độ bóng đá liên quốc gia lên đến hơn 1.500 tỉ đồng. Quá khiếp. Tôi rất thích xem bóng đá, World Cup năm nay chưa bỏ trận nào, cũng hay đoán, nhưng chưa bao giờ cá độ với ai, là bởi không thích, thế thôi. Tay lái xe cơ quan tôi thì hay cá vặt, bao giờ trước trận cũng “gọi dây thép” cho tôi hỏi nên bắt đội nào. Em kế toán còn không biết quả bóng hình gì nhưng vẫn cá, cá với tay lái xe ấy, chỉ biết đội trắng hay đỏ chứ cũng không biết tên đội, cứ bắt xong là... ngủ, mai biết kết quả. Thường là ăn sáng, có khi thấy thối cho nhau dăm chục. Tôi cũng hay được mời ăn ké vì tôi... chỉ cho cả hai đứa, đứa này bắt đội này thì đứa kia bắt đội còn lại, cứ vậy mà... hồi hộp... Có nhà thì vợ chồng cũng cá độ, để... ngủ, hôn nhau, hoặc nấu cơm rửa bát quét nhà,...
Nhưng cá độ lên đến nghìn tỉ thì tôi nghĩ không ra, bởi, rất ít người trúng, nó cứ mịt mù vô tăm tích thế mà mọi người vẫn lao vào thì quả là lạ. Mùa Euro hai năm trước, cái quán cà phê sát nhà tôi mở suốt đêm phục vụ bóng đá, trang bị màn hình lớn, xem rất thích. Tôi lên xem, thấy rất nhiều dân cá độ ngồi đấy. Ban đầu không biết, tưởng nó cũng ghiền như mình, xem trong sạch như mình, nhưng sau lạ, thấy xem bóng đá mà đứa nào cũng trước mặt xanh lè laptop hoặc iPad... Sau thằng chủ quán bảo: Cá độ đấy chú, thì tôi mới biết là chúng nối mạng để cá độ. Sau cái quán ấy bị nhà chức trách yêu cầu không xem bóng đá nữa vì sát nhà mấy quan, các bác không ngủ được, nó phải dẹp, tôi thấy thương nó, bỏ vốn ra sắm máy móc màn hình mà không được phục vụ.
Từ đấy lẩn mẩn nghĩ đến cái đề án cá độ bóng đá ở ta đã dền dứ suốt bao năm chưa được triển khai. Và dân ta thì vẫn cá độ, từ vui vẻ đến ăn tiền và vì là luật chưa cho nên phải cá chui, và vì cá chui nên rất nhiều anh vào nhà đá, từ bỏ niềm vui cá độ, và tiền thì chuyển ra nước ngoài... Nó cũng như mại dâm, chúng ta càng cấm thì nó càng phát triển và càng phát triển thì lại càng nhiều anh chị vào trại nằm...
Trong lúc chờ bóng lăn khoảng từ 1 - 3h sáng, tôi vô tình vào một trang báo mạng cảnh báo về việc một số trang Youtube tung clip Lệ Rơi độc quyền của trang ấy lên mạng khi Lệ Rơi hát bài “Nơi đảo xa”. Ngu nhất là tôi xông vào google và tìm được clip ấy. Nói thật là nó kinh hoàng mọi nhẽ. Đành rằng anh chàng có cái nick vô cùng sến “Lệ Rơi” này có thể hơi bất thường, hoặc anh ta không được dạy kỹ năng sống đầy đủ để ứng xử với cuộc đời vốn bất trắc này, nhưng những tờ báo biến anh ta thành sự kiện còn không bình thường hơn. Mà không chỉ một tờ nhé, nhiều tờ khai thác anh ta, khiến anh ta, anh nông dân chân chỉ trồng ổi, tưởng mình là... Lệ Rơi thật. Tội nghiệp Lệ Rơi và thương cho cả làng quê Việt bị mang ra giễu cợt...
Nhưng nếu ngẫm cho kỹ, từ cái sự “Lệ Rơi” ấy cũng thấy ra được khối vấn đề trong tình hình hiện nay. Không chỉ lệch chuẩn mà phải nói đúng là các chuẩn đã bị đảo lộn một cách... không thể nào hiểu nổi...
VĂN CÔNG HÙNG