Tản mạn về phẫu thuật chỉnh hình hiếm gặp

20-09-2014 14:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Cán gương đâm sâu thủng xương sàn hốc mắt, thấu xương xoang hàm. Nạn nhân được làm phẫu thuật chỉnh hình nóng. Thật may mắn!

Chiều 30 tháng 8 vừa qua, đài truyền hình ta có đưa một cái tin về cấp cứu y tế của ta, ngoạn mục và thành công. Đó là trường hợp một nam thanh niên bị cán gương ôtô đâm sâu vào vùng mắt. Hình ảnh được quay nghiêng. Trông cũng thấy vết đâm rất sâu và nạn nhân rất đau. Bối cảnh xảy ra tai nạn không được nói rõ. Chỉ biết nạn nhân được một cơ sở hàm mặt cấp cứu. Cán gương đâm sâu thủng xương sàn hốc mắt, thấu xương xoang hàm. Nạn nhân được làm phẫu thuật chỉnh hình nóng. Thật may mắn!

Vấn đề nêu trên tưởng như đơn giản chỉ là một trường hợp cấp cứu tai nạn, phức tạp nhưng thành công. Nhưng đối với riêng tôi, nó gợi lại nhiều suy nghĩ khác về kỷ niệm nghề nghiệp mình. Bốn mươi năm làm tại Viện Mắt, 18 năm ở Khoa Chấn thương, 20 năm ở phòng khám cùng nhiều buổi trực ngoài giờ. Những năm tháng đó, gặp đủ các “mặt hàng đau thương” về tai nạn mắt. Nhưng nói chung là các tai nạn mắt các kiểu khác. Năm 1967, thầy Ngô Như Hòa có đưa tôi một mẩu tin ngắn để đăng báo Nhãn khoa thực hành mà thầy dịch ở báo Hồng thập tự quốc tế. Tin vắn tắt có hai điều dặn cho cả người y tế và người ngoài ngành.

Điều 1: Với tai nạn vào vùng cột sống, dù là chưa được chẩn đoán xác định là gãy cột sống hay không, để chắc chắn, cứ để nạn nhân nằm ngửa trên tấm cứng, nằm sấp thì càng tốt. Như vậy để đề phòng nhỡ cột sống đã bị gãy thì nó không cắt đứt tủy sống.

Khi có chấn thương ở mắt cần khám và điều trị sớm.

Khi có chấn thương ở mắt cần khám và điều trị sớm.

Điều 2: Với các tai nạn gây xuyên đâm (vào bất cứ vùng nào của cơ thể), không được tùy tiện rút vật xuyên đâm đó ra để tránh chảy máu ào ạt. Bởi vì vật đó có thể gây đứt mạch lớn rồi, nhưng nó cũng đang ép chặt mạch đứt vào mô. Nếu ta rút vật đó ra ngay tại hiện trường tai nạn, chưa sẵn sàng các điều kiện cấp cứu cầm máu, có khi phải thắt mạch, khâu mạch thì cực kỳ nguy hiểm. Có khi tình huống còn quá phức tạp. Với nạn nhân trèo lên cây cao rồi bị cành nhỏ vạt nhọn đâm sâu (do cắt cành, tỉa cành gì đó). Lúc đó có thể phải bắc thang lên, dìu đỡ, cưa lấy một đoạn cành cây ấy, rồi hạ nạn nhân xuống để đưa đến y tế.

Ngày tháng qua đi, mãi quãng cuối thập niên 80, trong phiên trực vào ngày thứ bảy, ngoài phố đưa vào cấp cứu một tai nạn do ẩu đả lúc ăn nhậu trưa. Một nam thanh niên bị đâm chiếc đũa tre vào vùng mắt. Đũa còn cắm đó. Nó gạt lệch nhãn cầu sang một phía. Tôi đã phải nói với khoa liên quan và giải thích cho thân nhân bệnh nhân là phải tiến hành mổ phiên, không được vì thương nạn nhân một cách cảm tính mà rút luôn chiếc đũa ra. Khoa thì nhất trí, nhưng gia đình nạn nhân thì mắng chửi tôi tới tấp: “Bác sĩ độc ác, nhẫn tâm. Trông như thế kia mà không rút chiếc đũa ra cho người ta”. Phiên mổ được tiến hành đầu buổi chiều hôm ấy. Đũa đâm sâu 8cm, cũng thấu đến xoang hàm. Nó không gây đứt mạch lớn. Ấy nhưng cũng không vì thế mà lần sau gặp tình huống tương tự, ta lại rút nó ra lúc sơ cứu. Cẩn thận hàng nghìn lần để tránh một lần sự cố đáng tiếc xảy ra.

Chiều 2/9, tôi ỳ ạch viết nháp xong bài báo này. Con trai tôi nhìn thấy và hỏi: “Lại viết báo được kia à?”. Cháu cũng đang làm tại Viện Mắt (nay gọi là Bệnh viện Mắt Trung ương). Tôi nói là mới được thấy hình ảnh cán gương ôtô đâm sâu vào mắt. Cháu bảo trường hợp đó vào cấp cứu tại phiên trực của nó. Nạn nhân phi xe máy, lao vào vùng đầu ôtô. Gương ôtô gãy trước, nạn nhân lao mắt vào cán gương sau. Cháu cũng biết nguyên tắc không được rút vật đâm ra và đã gửi Viện Hàm mặt xử lý tiếp. Tôi nói với cháu là tai nạn kiểu ấy hiếm gặp. Ấy thế nhưng rồi cũng có lúc gặp. Cụ thể là ba mươi năm qua, riêng hai cha con ta gặp hai lần. Cảm ơn thầy Ngô Như Hòa thông qua bản tin dịch, đã xa thẳm từ độ ấy, để dạy bảo cha con ta. Chẳng có cái thông tin thiết thực nào là thừa. Nó giúp chúng ta có được hành xử hợp lý, hợp tình, hợp pháp khi gặp tình huống.

BS. Hoàng Sinh (ngày 7/9/2014)

 


Ý kiến của bạn